Tuy nhiên, một số chốt kiểm soát theo hướng từ TP.HCM đi các tỉnh xảy ra tình trạng ùn ứ, lâu nhất là tại Tây Ninh do tỉnh này bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 từ hôm qua. Theo đó, số lượng phương tiện lưu thông tại Tây Ninh tăng đột biến, gần 10.000 xe (trong đó xe vận tải hàng hóa là gần 6.000) so với khoảng 6.000 xe/ngày trước đó.
Tại Cần Thơ, tình hình giao thông đã tương đối ổn định; các chốt vào TP.Cần Thơ đã chấp nhận kết quả test nhanh Covid-19 có hiệu lực trong 3 ngày và không bắt buộc lái xe phải cách ly hoặc đổi lái. TP cũng đã bố trí điểm xét nghiệm cho đội ngũ lái xe có nhu cầu. Tất cả các tỉnh, TP thuộc khu vực phía nam đã lập 72 chốt kiểm soát trên các tuyến quốc lộ.
Tổng cục Đường bộ (TCĐB) đã rà soát và thống kê vị trí 19 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ phía nam có khả năng tổ chức dừng đỗ, xét nghiệm y tế cho lái xe. Tính đến 16 giờ ngày 15.7, đã có thêm 6 địa phương (Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Bình Dương, Bình Phước) báo cáo phương án tổ chức cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa. TCĐB cũng đề nghị UBND tỉnh Long An, Tiền Giang bố trí 4 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các trạm dừng nghỉ.
Tất cả thông tin về các luồng xanh hàng hóa đều được công bố trên website của TCĐB (www.drvn.gov.vn). TCĐB cũng đang hoàn thiện phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên các luồng xanh liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào đầu tuần tới.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị Sở GTVT các tỉnh trao đổi học tập kinh nghiệm của các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, TP.HCM trong tổ chức vận tải hàng hóa. Khi địa phương công bố luồng xanh phải tính toán đấu nối với luồng xanh liên tỉnh, liên vùng, luồng xanh quốc gia và thông báo cho TCĐB để quản lý, điều tiết.
Với các doanh nghiệp, phương tiện vận chuyển hàng thực phẩm thiết yếu, nông sản dễ hư hỏng, trong giấy thông hành kèm theo mã QR code phải có dấu hiệu nhận biết riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông, cung ứng nhanh nhất phục vụ nhu cầu của người dân.