Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ phải tiến hành ngay, địa phương nào chưa tiến hành thì phải khẩn trương trong tuần này, không chậm trễ.
Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ thất nghiệp 2,42%, tỉ lệ thiếu việc làm 2,6%. Riêng khu vực phi chính thức trên 60%. Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những khu vực đô thị.
Trước thực tế này, người lao động và doanh nghiệp mong mỏi tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc tiếp cận như thế nào vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời. Trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả gói hỗ trợ này thì ngược lại nhiều địa phương còn lúng túng nghiên cứu thủ tục giấy tờ khiến chậm trễ trong triển khai khiến Tư lệnh ngành lao động – Đào Ngọc Dung phải thẳng thắn nhắc nhở.
“Tinh thần không ban hành thêm thủ tục văn bản gì nữa, Hà Nội cần chủ động triển khai luôn, nhất là cho nhóm lao động tự do”, Bộ trưởng Dung nói và cho rằng ngành lao động thủ đô cần đeo bám quyết liệt hơn, trong bối cảnh Hà Nội đã hai lần tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng một tháng qua.
Bộ LĐTB&XH đã sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, đối với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg phải lấy an toàn cho người dân là trước hết, không được để ai bị đói, bị thiếu cơm, thiếu mặc. Tinh thần là đảm bảo cuộc sống, nhất là quan tâm người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Với phương châm như vậy, Bộ trưởng yêu cầu việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên toàn quốc phải rất khẩn trương. Các địa phương có Nghị quyết của UBND tỉnh thì tập trung triển khai hỗ trợ ngay, địa phương nào chưa tiến hành thì phải khẩn trương trong tuần này, không chậm trễ. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí, nhất là các địa phương, các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra thông tin tình hình, đơn vị nào chậm thì báo chí nêu. Cập nhật tình hình từng địa phương. Đơn vị làm tốt cần biểu dương trên mặt báo.
“Với tinh thần của Chính phủ, nếu đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân, không chỉ là trách nhiệm, bằng cả tấm lòng. Nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội. Với tinh thần đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn, bằng cả hành động, cả trái tim, tấm lòng với người nghèo, người khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi người dân cần thì cần phải được hỗ trợ ngay. Đến khi no cơm ấm áo rồi thì ý nghĩa bị giảm đi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg phải thật khẩn trương, gấp rút hoàn thiện ngay trong tuần này. Nhiều địa phương chưa hoàn thành văn bản hướng dẫn triển khai là chậm, chính sách của Chính phủ đã rất thông thoáng, địa phương không được thêm thủ tục nữa.
Thậm chí, địa phương bớt được thủ tục hành chính càng tốt, sau này sẽ chú trọng công tác hậu kiểm. Các địa phương cần vào cuộc triển khai Nghị quyết không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả tấm lòng
Trước đó, ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng cho biết tinh thần, nếu như trước đây cho tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần.
“Tinh giản tối đa các thủ tục, các điều kiện, làm sao đơn giản, thông thoáng nhất. Chẳng hạn như miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động bây giờ chỉ cần 1 quyết định thôi, là doanh nghiệp đến bảo hiểm, đưa toàn bộ danh sách mình đã đóng hằng tháng, sau đó, bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.Đồng thời cho biết cũng đã có quy định rất rõ thời gian, như khi nhận hồ sơ trong 2 hoặc 3 ngày là phải xử lý ngay, nếu không xử lý hoặc không đồng ý thì trả lời bằng văn bản ngay cho người sử dụng lao động, người lao động.
Báo cáo Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 2 của Tổng cục Thống kê, trong quý 2 năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.