Chiến lược nội dung gốc

Hầu hết nội dung được cung cấp trên các nền tảng đều không thuộc sở hữu của họ, mà thuộc các công ty và cá nhân sáng tạo. (Ảnh: Founder Voiz FM gọi vốn tại Shark Tank mùa 4)

 

Đó là cơ hội cho một loại hình nội dung số mới xuất hiện tại Việt Nam phát triển: sách nói và nội dung âm thanh. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội phát triển là một câu hỏi lớn về chiến lược đang đón chờ phía trước: Lối đi nào cho các nền tảng âm thanh?

CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

Vào những năm 2019-2020, cùng với sự xâm nhập của Spotify vào thị trường Việt Nam, các nền tảng cung cấp nội dung âm thanh cũng bắt đầu ra đời. Thay vì chủ yếu tập trung vào nội dung âm nhạc như các ứng dụng thời kì đầu (Zing mp3 hay Nhaccuatui), các nền tảng thế hệ mới tập trung vào các loại hình mới mẻ hơn, như podcast, chương trình thảo luận (talkshow), và sách nói. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như Fonos (sách nói), Voizfm (sách nói), OnMic (talkshow),…

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, các nền tảng âm thanh nhận được một cú hích mạnh mẽ về người dùng. Ông Lê Hoàng Thạch, CEO của Voiz FM cho biết: “So với năm 2020, chúng tôi tăng trưởng gấp 50 lần. Trung bình mỗi tháng tăng 20-30% so với tháng trước. Trong 4 tháng đại dịch vừa qua, doanh thu tăng gấp 6 lần so với những tháng đầu năm”. Hiện tại, Voiz FM có 500.000 người dùng. Mỗi ngày, khoảng 20.000 người dùng tích cực sử dụng ứng dụng.

Tuy cơ hội trước mắt rất lớn, nhưng một vấn đề cấp thiết cũng đặt ra đối với các nền tảng âm thanh: Hầu hết các nội dung được cung cấp trên nền tảng đều không thuộc sở hữu của họ, mà thuộc sở hữu bởi các công ty và cá nhân sáng tạo. Không thực sự nắm giữ nội dung khi thị trường còn nhỏ bé không phải là vấn đề lớn, nhưng một khi nhu cầu bùng nổ, vấn đề sẽ phát sinh.

HỒI KẾT GIỮA MARVEL STUDIO VÀ NETFLIX

Để hiểu rõ rủi ro về chiến lược của việc không nắm giữ nội dung gốc, ta hãy quay về một cuộc chiến khác giữa các nền tảng nội dung- lần này là giữa các công ty nền tảng nội dung phim.

Là nền tảng tiên phong cung cấp nội dung phim trên nước Mỹ và toàn thế giới, Netflix đã kí kết hợp đồng phân phối với nhiều studio phim lớn. Trong số đó, hẳn không thể thiếu Marvel Studio. Từ năm 2013, Netflix đã kí kết các hợp đồng với Marvel để phát triển nhiều loạt phim truyền hình về các siêu anh hùng Marvel, tiêu biểu là Daredevil (2015–2018), Jessica Jones (2015–2019), Luke Cage (2016–2018), và Iron Fist (2017–2018). Nhiều chuyên gia đánh giá đây hẳn là một mối quan hệ hợp tác dài lâu, đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, vấn đề dần phát sinh khi thị trường nền tảng nội dung phim bắt đầu phát triển mạnh. Năm 2017, Disney tuyên bố hợp đồng cấp quyền cung cấp độc quyền giữa họ và Netflix sẽ kết thúc vào năm 2018. Khi hợp đồng hết hạn, Disney rút toàn bộ các phim trong vũ trụ điện ảnh Marvel khỏi nền tảng Netflix, đồng thời cũng không làm tiếp các phim đã hợp tác. Disney làm vậy là có lí do: Họ muốn tự xây dựng nền tảng nội dung của riêng mình để lấy miếng bánh thị phần lớn hơn.

Tháng 11/2019, Disney+ ra đời và vũ khí chủ đạo của Disney+ không gì khác hơn là lượng nội dung gốc khổng lồ mà Disney sở hữu- thứ mà rất nhiều nền tảng nội dung phim khác không hề có. Ngoài lượng phim từ Marvel Studio, Disney+ còn sở hữu các nội dung từ Pixar, Lucasfilm, National Geographic, Disney Channel…

Với vũ khí nội dung gốc, ngay ngày đầu tiên ra mắt, đã có 10 triệu khách hàng đăng ký Disney+, và đến tháng 7/2021, đã có 116 triệu thuê bao. Một tốc độ phát triển không tưởng của nền tảng 1,5 năm tuổi.

PHÁT TRIỂN NỘI DUNG GỐC

Bài học từ Disney+ và Netflix đã cho thấy sức mạnh của việc sở hữu nội dung gốc: Người sở hữu nội dung gốc, chứ không phải nền tảng phân phối, mới là người chiến thắng. Khách hàng không đăng kí thuê bao dựa trên nền tảng, họ chỉ đồng ý chi tiền nếu nền tảng có nội dung họ thích. Một khi thị trường phát triển, nhà sở hữu nội dung gốc sẽ nắm quyền điều khiển cuộc chơi. Trong trường hợp họ không tách ra làm một nền tảng riêng, thì họ cũng sẽ đòi hỏi phần chia lợi nhuận nhiều hơn từ nền tảng.

Nhận thức được điều này, Netflix cũng đã nhanh chóng phát triển các nội dung gốc từ đầu những năm 2010. Đến khi Disney kết thúc hợp đồng hợp tác, Netflix đã sở hữu rất nhiều nội dung gốc nổi bật, như Stranger Things, Money Heist, Squid Game…

Vậy bài toán đặt ra cho các nền tảng nội dung âm thanh tại Việt Nam đã khá rõ ràng: Một khi thị trường phát triển, các nhà sở hữu nội dung gốc sẽ là người điều khiển cuộc chơi. Muốn không bị đánh bật khỏi thị trường sau khi đã khai phá vùng đất mới, các nền tảng nội dung âm thanh cần nhanh chóng tạo dựng nội dung gốc cho riêng mình.