Đặt cược vào “siêu ứng dụng” MoMo

Nói là “sự trở lại” vì trước đây, Mizuho đã từng đầu tư vào Vietcombank, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam vào năm 2011.

Giờ đây, Mizuho dự kiến sẽ đầu tư lên tới 20 tỷ yên (khoảng 170 triệu USD) để mua lại 7,5% cổ phần của công ty thanh toán điện tử vào cuối năm nay, nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh bán lẻ của công ty Việt Nam.

Sự trở lại của Mizuho ở Việt Nam

Ngân hàng Mizuho sẽ đầu tư “khủng” vào ví MoMo.

 

Với nhiều người, M-Service là cái tên khá xa lạ, nhưng ứng dụng thanh toán MoMo có lẽ rất ít người Việt Nam không biết. Hiện tại, M-Service đang vận hành ứng dụng thanh toán MoMo, một ứng dụng phổ biến khi có hơn 20 triệu người sử dụng tại Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2007 và có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, M-Service đang cố gắng biến MoMo thành một “siêu ứng dụng” cho phép người dùng truy cập vào nhiều dịch vụ, để tận dụng lợi thế với hơn 50% thị phần thanh toán của mình tại Việt Nam.

Hiện tại, MoMo là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về cung cấp dịch vụ ví điện tử trên di động, dịch vụ chuyển tiền mặt tại các điểm giao dịch, thông qua việc hợp tác chiến lược với các ngân hàng và tổ chức tài chính. Công ty đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử và dịch vụ chuyển tiền, thu/chi hộ…

Hệ sinh thái của MoMo bao gồm: Ngân hàng, các điểm chấp nhận thanh toán MoMo, các doanh nghiệp thương mại điện tử, các cơ quan Nhà nước chấp nhận và cấp phép…

Không những vậy, MoMo còn cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm về thanh toán một chạm (One Touch Payment) với hơn hàng trăm tiện ích dịch vụ, bao gồm Chuyển tiền, Thanh toán hóa đơn, Mua vé máy bay, Mua vé xe lửa, Vé xem phim, Thu-Chi hộ và Thương mại trên di động…

Trên thực tế, khái niệm về một “siêu ứng dụng” lần đầu tiên được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc bởi WeChat của Tencent. Đó là một ứng dụng cho phép người dùng truy cập vào các dịch vụ nhắn tin, đa phương tiện, thanh toán, dịch vụ gọi xe, tư vấn bác sĩ trực tuyến hay thậm chí là hẹn hò.

Với tham vọng về một Việt Nam không tiền mặt, MoMo đang cho thấy những bước chân đầu tiên của một “siêu ứng dụng”. Ứng dụng này hiện đang dẫn đầu thị trường về việc cung cấp nền tảng ví điện tử, thanh toán online và trở thành một phong cách sống mới.

Chiến lược mới của Mizuho

Trên thực tế, các ngân hàng tại Nhật Bản đã phải vật lộn với lãi suất cực thấp trong nhiều năm và dân số ngày càng thu hẹp. Mizuho cũng đang phải tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài.

Sự trở lại của Mizuho ở Việt Nam

Mizuho là tập đoàn tài chính lớn thứ ba tại Nhật Bản sau Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

 

Ngân hàng lớn thứ ba của Nhật Bản tính theo doanh thu, đã gặp khó khăn trong năm nay bởi một loạt trục trặc hệ thống trong mạng lưới ATM của mình. Mới đây, Giám đốc điều hành Tatsufumi Sakai khi bắt đầu phần trình bày thu nhập của mình đã phải lên tiếng xin lỗi về sự cố này.

Mizuho đã bị vướng phải các vấn đề về CNTT lớn, kể từ khi họ được tạo ra từ sự hợp nhất của ba bên cho vay hơn hai thập kỷ trước. Chuỗi sự cố bắt đầu từ tháng 2, khi máy ATM nuốt hơn 5.000 thẻ tiền mặt và sổ tiết kiệm. Một tháng sau, một lỗi phần cứng đã khiến 300 lần chuyển tiền ngoại tệ bị đình trệ. Đã có tám sự cố như vậy trong năm nay.

Cơ quan quản lý ngân hàng Nhật Bản đang có kế hoạch ban hành lệnh cải thiện hoạt động kinh doanh đối với Mizuho, chỉ trích công ty cho vay lớn thứ ba của nước này vì những thiếu sót trong quản trị và văn hóa doanh nghiệp đằng sau một loạt trục trặc hệ thống trong năm nay.

Sự trở lại của Mizuho ở Việt Nam

Giám đốc điều hành Tatsufumi Sakai đã phải lên tiếng xin lỗi về sự cố của Mizuho.

 

Tatsufumi Sakai, người trở thành Giám đốc điều hành vào năm 2018, đã cố gắng định hình lại ngân hàng và thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Ông đã thực hiện những sửa đổi lớn đối với cơ cấu tổ chức để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tăng trưởng và kiềm chế chi phí. 

Hiện tại, trong 3 tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản bao gồm cả 2 “gã khổng lồ” Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Mizuho đang phải vật lộn để bắt kịp các đối thủ lớn hơn đang mở rộng ra ngoài hoạt động cho vay truyền thống sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.

Thời điểm này, Mizuho đã bị tụt hậu so với các đồng nghiệp của mình trong việc đầu tư ra nước ngoài. Trong khi, đối thủ đứng trên là SMBC lại đang mạnh tay đầu tư vào các tổ chức tài chính ở Việt Nam, Ấn Độ và các khu vực khác của châu Á, Mizuho đã phải thực hành việc “tiết kiệm vốn và tái cấu trúc”.

Mặc dù trước đây, Mizuho đã từng đầu tư vào Vietcombank – một ngân hàng lớn tại Việt Nam vào năm 2011. Nhưng, như thế vẫn là chưa đủ trong bối cảnh phát triển khủng khiếp của các nền tảng tài chính.

Vì vậy, giờ đây Mizuho đang muốn bắt đầu tích cực khai thác các khu vực tăng trưởng ở châu Á. Ngân hàng Nhật Bản cũng đặt mục tiêu trở thành một người chơi lớn hơn trong lĩnh vực tài chính Đông Nam Á khi dân số và nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng.

Rất có thể việc đầu tư vào M-Service thời điểm này sẽ giúp Mizuho tìm kiếm một động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.