Ngày xưa, sau khi phát cỏ trên ruộng ngập nước, người phụ nữ dùng cây nọc cấy chọc xuống đất cứng, tạo thành lỗ rồi cấy mạ vào. Cây nọc cấy ở Nam bộ thường được làm bằng gỗ căm xe, thau lau hoặc những loại gỗ cứng chịu được nắng và nước ruộng như cây cóc hay cây cà chắc (còn gọi là cà chỉ) – người Khmer gọi là pra-chat (ประจั๊ต) hay pra-choek (ประเจิ๊ก).
Sau khi phát cỏ trên ruộng ngập nước, người phụ nữ dùng cây này chọc xuống đất cứng
|
Nhìn chung cây nọc cấy có nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau, dài từ 1 tấc cho tới 5 tấc trở lên, loại 1 tấc dùng cho ruộng cạn ở vùng gần biển như Gò Công, loại 2 – 3 tấc thì dùng cho ruộng nước nông, còn loại 4 – 5 tấc trở lên sử dụng cho ruộng sâu.
Ở Tiền Giang có 2 loại là nọc cổ bồng (thắt eo như cái bồng, đầu bù lớn, dùng cấy đất sâu) và nọc chìa vôi (hình giống cái chìa vôi ăn trầu, to bằng ngón chân cái, dùng cấy đất cát, đất cạn). Cả hai loại này đều có phần trên hình lục giác hoặc bát giác; phần đầu thon nhọn; phần cán đôi khi chứa vôi để sử dụng ở vùng có nhiều đỉa; có một thanh ngang để làm điểm tựa cho tay cầm.
Nông cụ xuất hiện đầu tiên ở đất Gia Định
Tương truyền loại nọc cấy lúa xuất hiện đầu tiên ở vùng Gia Định, gọi là nọc chày, do người Nam bộ mô phỏng từ loại cây nọc trỉu lúa của những tộc người ở Tây Nguyên. Nọc chày rất to, lớn bằng cánh tay, dài khoảng 2 mét, có thân tròn hoặc hình lục giác hay bát giác. Thông thường cần có 2 người sử dụng, người nam chọc nọc xuống đất ruộng, tạo thành lỗ, còn người nữ thì xé mạ, gieo vào lỗ.
Về sau loại nọc chày hiếm được sử dụng, có lẽ vì quá cồng kềnh, thay vào đó là loại nhỏ gọn vài tấc, do người nữ sử dụng, chọc lỗ rồi gieo mạ luôn. Ngoài ra, còn có loại nọc nhánh, có tay cầm như nhánh cây và một loại khác khá đặc biệt, gọi là Hlâu (thường do người Chăm ở An Giang sử sụng), loại này có một đầu nhọn để tạo lỗ cấy, đầu còn lại tròn, dùng để giã gạo.
Ngoài sử dụng nông cụ, nông dân có thể cấy lúa bằng tay
|
Người Chăm, đặc biệt là ở vùng Phú Yên, cũng sử dụng nọc cấy, có loại khá lớn, nhiều khi cần phải tới 2 người vác và 1 người cấy mạ. Người Khmer Nam bộ cũng sử dụng nọc cấy, gọi là Sơ chal, loại này thường được chạm trổ rất đẹp, cán cong vút giống như mái ngói hay sừng nai, thân khắc hình, chủ yếu là hình rắn naga.
Các chàng trai Khmer thường dùng Sơ chal làm sính lễ, tặng cho nhà gái trong ngày cưới, loại này thường dài hơn loại nọc cấy của người Việt. Nhìn chung, nếu ruộng lầy lội, nhiều bùn thì người ta thường cấy tay (dùng tay để cấy); còn ruộng ngập nước, đất cứng thì dùng nọc nhọn, đất mềm có thể dùng loại dẹt.
Nọc cấy xuất hiện khoảng giữa thập niên 1950, thường được dùng để cấy lúa mùa, đến năm 1980 trở về sau thì dần dần biến mất vì người dân đã chuyển sang làm lúa thần nông. Ngoài ra còn lý do khác là ngày nay, nông dân thường dùng máy cấy, họ điều khiển máy chạy đến đâu thì mạ được máy cấy đến đó, năng suất dĩ nhiên là cao hơn nhiều so với cấy tay hay dùng nọc cấy. Và dĩ nhiên cũng không còn cảnh người nam hò giao duyên với người nữ bằng câu: “Tay cầm nọc cấy ngẩn ngơ/Tay sang bó mạ, đợi chờ chi em ?”