Sự bùng nổ của thị trường edtech Việt Nam

Theo báo cáo của Ken Research, thị trường edtech Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 – 2023. Sự trỗi dậy của edtech tại Việt Nam là một dấu hiệu hy vọng cho thấy lực lượng lao động của đất nước sẽ được trang bị tốt hơn cho một thị trường số hóa và toàn cầu hóa. Nhiều tập đoàn lớn và các startup đều đang nỗ lực để chia sẻ một phần của “miếng bánh” này.

Thị trường edtech Việt Nam: “Miếng bánh” không dễ …

Thị trường edtech Việt Nam đang ở thời kỳ “Bách gia tranh mình”.

 

Tập đoàn FPT là nhà cung cấp CNTT phổ biến nhất tại Việt Nam và đang ngày càng trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực edtech. Ứng dụng của họ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh trải nghiệm học tập phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng học sinh. Theo FPT, có khoảng 40.000 trường học duy trì 3 triệu tài khoản.

Nhưng, không chỉ có các công ty trong nước đang có những bước phát triển nhảy vọt trong ngành edtech mà nhiều “ông lớn” ở các quốc gia như Australia, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc đều đã nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam và họ bắt đầu đưa các mô hình edtech vào một cách mạnh mẽ hơn.

Mới đây nhất, tập đoàn Gakken Holdings của Nhật Bản đã bắt tay với công ty Việt Nam KiddiHub Education Technology, nhà cung cấp thông tin cho các trường mẫu giáo. Gakken đang hy vọng sử dụng sự hiện diện trực tuyến đã được thiết lập của KiddiHub để quảng cáo việc học tập tập trung vào các kỹ năng tư duy phản biện cho trẻ em. 

Bên cạnh đó, các công ty khởi nghiệp cũng đang thúc đẩy sự bùng nổ của edtech. Tập đoàn Giáo dục EQuest, tập trung vào việc giảng dạy tiếng Anh và giáo dục kỹ thuật số cho lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu, đã nhận được 100 triệu USD đầu tư từ một công ty cổ phần tư nhân của Mỹ KKR vào đầu năm nay.

Trước đó, những ứng dụng, nền tảng dạy học trực tuyến như: CoderSchool, Marathon, Elsa, AI Clevai,… cũng đã được đầu tư hàng triệu USD để tham gia vào một cuộc chạy đua thu hút người dùng.

Thị trường edtech Việt Nam: “Miếng bánh” không dễ …

Chính phủ Việt Nam đang tỏ rõ sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ giáo dục.

 

Theo các chuyên gia phân tích, sự bùng nổ của thị trường edtech Việt Nam được cho là do một lượng lớn các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm lao động giá rẻ ở Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang tìm mọi cách để vượt qua rào cản của mức “thu nhập trung bình”, và giáo dục là chìa khóa quan trọng trong lĩnh vực này, đặc biệt là với các kỹ năng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang tỏ rõ sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ giáo dục và đặt ra mục tiêu đưa giáo dục trực tuyến đến 90% trường đại học và 80% trường trung học và đào tạo nghề vào năm 2030.

Cùng với đó là sự quan tâm ngày càng tăng đến giáo dục của công chúng, khi mức chi tiêu hàng năm cho lĩnh vực này đã tăng gấp 2 đến 3 lần trong thập kỷ qua. Các hoạt động học tập ngoại khóa, giống như các trường luyện thi, đang được các bậc cha mẹ quan tâm, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Nhưng, cũng đầy thách thức…

Việt Nam hiện tại là một trong những quốc gia tiềm năng nhất ở Đông Nam Á với lực lượng lao động CNTT mạnh và kết nối chặt chẽ với các nền kinh tế công nghệ cao của thế giới. Thực tế cho thấy, với cơ cấu dân số trẻ như vậy thì nguồn lực về giáo viên, sách vở, trang thiết bị sẽ cần phải đáp ứng được nhu cầu lớn đó. Đây là không gian tiềm năng để thị trường edtech phát triển mạnh mẽ.

Thị trường edtech Việt Nam: “Miếng bánh” không dễ …

Song, thị trường edtech cũng đầy những rủi ro…

 

Nhưng, một thị trường bùng nổ một cách nhanh chóng cũng có thể đem đến những hệ lụy rủi ro. Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận rằng giáo dục trực tuyến nói riêng và edtech nói chung đang có tốc độ phát triển cao, tuy nhiên, nhu cầu về giáo viên dạy trực tiếp vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.

Thứ hai, thị trường edtech sôi động đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp tham gia và cạnh tranh bằng mọi giá. Các công ty cần phải có những chiến lược riêng để nổi bật và giải quyết được nhu cầu thiết thực của người dùng. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng, không dễ cho các nhà đầu tư edtech tại Việt Nam vì khởi nghiệp trong giáo dục thường là một câu chuyện dài kỳ, khái niệm siêu tăng trưởng dường như không tồn tại trong ngành này. Người chơi phải chuẩn bị trong ít nhất 5 năm để thấy sản phẩm- thị trường phù hợp. Nhưng với các quỹ đầu tư mạo hiểm, hầu hết không có sự kiên trì vì áp lực lợi nhuận luôn đè nặng.

Hãy nhìn vào cuộc “tắm máu” các công ty edtech của Trung Quốc trong thời gian qua, bắt nguồn từ những phản ứng dữ dội đối với ngành công nghiệp này, khi việc dạy thêm quá nhiều khiến giới trẻ nước này rơi vào trạng thái trầm cảm và tạo gánh nặng cho phụ huynh với các khoản học phí đắt đỏ. 

Nhìn chung, hoạt động giáo dục hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực edtech. Tiềm năng và dư địa phát triển là rất lớn, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định việc đầu tư vào ngành này có thực sự sinh lời hay không, bởi dù sao edtech vẫn được coi là một trong những thị trường “khó nhai” nhất. Cơ hội chỉ đến với người biết tận dụng và thấu hiểu khó khăn.