Hồ Văn Xút, 39 tuổi, ở xã Hướng Linh (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) có một thân phận đặc biệt. Lúc chào đời, anh vẫn lành lặn khỏe mạnh, năm lên 3 tuổi thị lực mới kém dần. Lúc ấy, hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc cứu chữa gần như vô vọng… Nhớ lại bi kịch của con trai ngày đó, bà Hồ Thị Tiên kể rằng một ngày nọ bà thấy mắt Xút đỏ ngầu, nước mắt cứ chảy liên tục 6 ngày, đồng tử và mi mắt không phản xạ khi có vật lạ đưa đến gần. Mãi đến nay, bà cũng không biết rõ nguyên nhân, nhất là khi 3 em trai của Xút lần lượt chào đời sau đó đều khỏe mạnh, không bị khuyết tật.
Năm 2003, Xút tham gia lớp học dạy chữ nổi do Hội người mù của huyện tổ chức, nhưng chỉ kéo dài 1 tháng không đủ để anh biết chữ. Mù mắt lại mù chữ, nhưng Xút không chấp nhận mà tự học đếm, học tính, học làm việc nhà…
Người không cam chịu
Tại thôn Hoong Mới hiện có 3 trường hợp mù bẩm sinh, nhưng Hồ Văn Xút là trường hợp đặc biệt nhất. Lên 6 tuổi, nhờ mẹ chỉ dẫn mà Xút tập luyện và biết giã gạo bằng cối. Đến năm 2005, khi Xút ở tuổi 23, gia đình sắm cho anh bộ máy xay lúa. Mẹ lại phải tiếp tục chỉ dẫn từng vị trí của máy, cách thức hoạt động, nút bấm, nơi đổ lúa vào, xuất lúa ra… Cứ thế, dần dần anh quen được với mọi thứ mà không cần ai giúp đỡ. Thoáng nhìn cứ ngỡ anh là người có thị lực bình thường. Bởi mỗi khi khách mang lúa đến xay, thấy anh tự tin mang dép, rời nhà một mình đi đến phòng xay lúa (cách nhà khoảng 50m) rồi khởi động máy, đổ lúa vào, nhớ từng vị trí của các dụng cụ trong căn phòng. Chỉ khoảng 5-10 phút sau, khách đã có gạo mang về.
Tính ra, ngày ít khách nhất cũng có khoảng 2-3 tạ lúa mang đến xay, nhiều thì 6-7 tạ, trung bình mỗi ngày nhận khoản tiền công 100.000 – 150.000 đồng. Dù gần đó cũng có tiệm xay lúa, nhưng khách dường như ưu ái tìm đến chỗ anh nhiều hơn. Ông chủ tiệm xay lúa Hồ Văn Xút còn giỏi chăm vịt, nuôi cá và thậm chí là nấu ăn cho gia đình. Tất nhiên, khởi đầu anh phải nhờ mẹ và em trai hướng dẫn, sau đó dần quen…
Khoảng 10 năm trước, bà Tiên có ý định cắt cho Xút 1 ha đất tràm để có điều kiện xây dựng cuộc sống riêng, nhưng anh từ chối, muốn ở cùng mẹ và tiện việc chăm sóc cháu, làm việc nội trợ… “Em cũng muốn anh ấy có gia đình, nhưng anh ấy chỉ muốn chăm sóc 2 cháu nhỏ để em có thời gian đi làm”, Hồ Văn Mười, em trai anh Xút, chia sẻ.
Dù chính quyền địa phương trợ cấp cho Hồ Văn Xút 540.000 đồng/tháng, nhưng ông Hồ Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, vẫn không tiếc lời ngợi khen. “Xút là trường hợp đặc biệt của xã, khiếm thị vẫn làm rất nhiều việc đóng góp cho xã hội. Đây là tấm gương để con em đồng bào Vân Kiều noi theo”, ông Giang nói. Thật vậy, Hồ Văn Xút vẫn không ngừng tự rèn luyện, để biến mình thành người “tàn nhưng không phế”.