DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Chuyện mở kinh doanh vỉa hè vì dịch

Hà Nội cho phép sử dụng vỉa hè quận Hoàn Kiếm để kinh doanh ẩm thực

 

Gần đây, chính quyền thành phố Hà Nội ra quyết định cho phép sử dụng vỉa hè quận Hoàn Kiếm để kinh doanh ẩm thực. Phí hằng tháng là 45.000đ/m2 và cấp phép 6 tháng/lần. Các tuyến đường chính được quận Hoàn Kiếm đề xuất là Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng và Lê Phụng Hiểu. Thời gian hoạt động là từ 6 giờ sáng đến 2 giờ sáng hôm sau.

Quận Hoàn Kiếm cho biết đề xuất như vậy nhằm lập lại trật tự kinh doanh buôn bán, đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Theo thông tin ghi nhận, đề xuất này đã có từ lâu nhưng vẫn chưa được duyệt vì Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng không phù hợp với quy định hiện hành. Các tuyến đường đều là trục giao thông chính, dễ xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm nếu buôn bán vỉa hè.

Tuy nhiên vài tháng sau thành phố đã có một số quy định mới. Do đó quận Hoàn Kiếm tiếp tục đề xuất thí điểm kinh doanh vỉa hè và đã được thông qua vào cuối tháng 12.

Trên thế giới, việc mở rộng kinh doanh vỉa hè cho lĩnh vực ăn uống đã trở thành xu hướng trong mùa dịch.

Vì dịch bệnh, tuy được mở cửa lại nhưng các nhà hàng, quán ăn vẫn phải tuân thủ quy tắc giãn cách, đặt bàn không gần nhau. Tuy nhiên nếu tuân thủ như vậy mà không mở rộng không gian thì số lượng khách sẽ giảm. Mà khách giảm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Vậy nên nhiều thành phố có các chương trình dùng vỉa hè, lề đường (đã cấm người qua lại) để làm không gian mở cho các đơn vị kinh doanh ẩm thực.

Chẳng hạn, Amsterdam cho phép các nhà hàng đặt bàn ở lề đường và quảng trường để mở rộng không gian cho thực khách dùng bữa tại chỗ.

DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Chuyện mở kinh doanh vỉa hè vì dịch

Amsterdam cho phép các nhà hàng đặt bàn ở lề đường

 

Hay như thành phố San Diego hồi tháng 3 năm 2020 đã phác thảo đề xuất thay đổi một số hoạt động kinh doanh ngoài trời. Theo đó các đơn vị dịch vụ ăn uống có thể dùng lề đường, bãi đậu xe tư nhân, công viên và các không gian công cộng khác để kinh doanh.

Hoặc San Francisco cũng đã cho phép các nhà hàng mở cửa phục vụ khách từ tháng 6 năm 2020. Để hoạt động an toàn trong mùa dịch, chính quyền cho phép các quán ăn, nhà hàng dùng một phần không gian đường phố và vỉa hè để phục vụ thực khách.

New York cũng có những biện pháp tương tự. Chính quyền thành phố cho phép các quán bar, nhà hàng, quán cafe nằm trong khu vực nhất định có thể tận dụng không gian của vỉa hè, lề đường và quảng trường như một không gian ngoài trời để phục vụ khách.

Có lẽ chương trình “nhà hàng mở” này của New York đã rất thành công. Bởi lúc mới đưa ra, chính quyền đặt hạn cuối là ngày 31/10. Thế nhưng sau đó nhà chức trách đã thông báo sẽ kéo dài và cố định chương trình này. Thị trưởng New York cho biết chương trình này có khoảng 10.000 nhà hàng tham gia và đảm bảo gần 100.000 việc làm.

Sự mở rộng và thành công của mô hình kinh doanh vỉa hè từ các thành phố nước ngoài thể hiện những tín hiệu tích cực nhất định cho quyết định mới của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên cần hiểu rõ một điều rằng ở các thành phố kia trước đây hầu như không có văn hóa kinh doanh vỉa hè. Vậy nên khi áp dụng họ đã tạo ra sự khác biệt lớn.

Còn ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, văn hóa kinh doanh vỉa hè đã là truyền thống, quá quen thuộc. Do đó chưa biết hiệu quả như thế nào. Có lẽ mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn sau 6 tháng đầu tiên áp dụng chính sách mới.