Nghi phạm thứ hai
Việc ám sát Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn chỉ là bước thứ nhất; mục tiêu cuối cùng là chiếm ngôi. Tuy nhiên, Đinh Công Vĩ đã chỉ ra: lúc bấy giờ
“tứ trụ triều đình” Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ vẫn còn hiện hữu, “làm sao một kẻ tầm thường như Đỗ Thích có thể giết được vua nếu không có một lực lượng mạnh hơn “tứ trụ” rất nhiều?”. Dựa vào tình thế chính trị, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh kết luận: “Chỉ có Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân mới có quyền lực chiếm ngôi vua và được vợ Đinh Bộ Lĩnh đồng mưu, đồng mưu nên mới lấy áo long bào khoác cho Lê Hoàn rồi làm vợ Lê Hoàn”. Nghĩ như thế là rất có lý. Quyền lực áp đảo của Lê Hoàn là vấn đề mà Đặng Xuân Bảng đã nhắc nhở từ trước: “Nhà Đinh lấy Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, nắm cả quân trong nước, lại được ra vào cung cấm. Thế thì trong ngoài cửa cung đều trao vào tay một người Lê Hoàn. Uy quyền lớn như thế, làm sao không nảy sinh lòng khác?”.
Đứng dưới góc độ đó, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho rằng Đỗ Thích chẳng qua chỉ là tay sai mà kẻ giật dây chính là Lê Hoàn. Trong Quốc sử huấn mông, Tản Đà giải thích: “Xưa nay chưa từng thấy có kẻ hạ tiện như chức Chi hậu nội nhân mà dám có cái chí giết vua để cướp nước. Cho nên biết rằng Đỗ Thích mà dám làm sự đó, tất có người sai vậy. Sao biết sai Đỗ Thích mà là Lê Hoàn vậy? Xưa xem vua Đinh vừa mới mất là Lê Hoàn liền ra vào cung cấm, thông tư với Dương hậu, tự xưng làm Phó vương; ấy trong lòng không có vua đã lâu, cho nên đến lúc ấy mà mới công nhiên như thế vậy. Sao biết là Hoàn thực chủ mưu vậy? Khi ấy quân mười đạo đều ở trong tay Hoàn. Ngoài Hoàn, không ai dám có bụng nghĩ vậy”.
Thực ra ngay từ năm 1093, người Tống là Thẩm Quát từng khẳng định trong sách Mộng khê bút đàm rằng: “thổ nhân là Lê Uy giết Liễn tự lập”. Trần Trọng Dương cho biết “Lê Uy tức Lê Hoàn”.
Vai trò của Đỗ Thích
Lê Hoàn nảy sinh lòng khác vì quyền hành quá lớn là điều dễ hiểu. Nhưng nói rằng Đỗ Thích là tay sai của Lê Hoàn thì vẫn có điều vướng mắc. Ta nên nhớ người bắt Đỗ Thích là Nguyễn Bặc – một nhân vật trong “tứ trụ triều đình”. Câu chuyện “sao sa vào mồm” rất có thể là từ miệng Nguyễn Bặc công bố. Nếu Nguyễn Bặc không phải loại thô lỗ cứ bắt được là giết, ít nhiều gì ông cũng phải tra hỏi Đỗ Thích. Nếu Đỗ Thích và Lê Hoàn có liên hệ, Nguyễn Bặc há dễ bỏ qua? Trên thực tế, vào thời điểm vụ ám sát xảy ra, Nguyễn Bặc không những không chống đối Lê Hoàn, mà còn cùng Đinh Điền liên minh với Lê Hoàn để lập Vệ vương Đinh Toàn. Cách nói của Thiên Nam ngữ lục chính là Đỗ Thích và Lê Hoàn không hề có liên hệ. Hành động của Đỗ Thích chỉ ngẫu nhiên trùng hợp với lợi ích của Lê Hoàn:
“Một Hoàn ra dạ thờ ơ,
Có tình ngấp nghé muốn cơ vẫy vùng.
Từ ngày Thích phạm mình rồng,
Ý Hoàn xem chẳng có lòng minh âm.
Trong nhà thầy tớ nói thầm,
Đỗ Thích nó làm gãi chỗ ngứa tao”.
Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng Nguyễn Bặc không thu lượm được gì từ Đỗ Thích, hoặc chỉ thu nhận được một câu chuyện giả. Tuy nhiên, lại còn một cách diễn giải khác nữa về vai trò của Đỗ Thích, đó là cách nói của Hoa Lư tự sự (hay còn gọi là Vân Sàng truyện) lưu hành ở Ninh Bình, do Giáo sư Chương Thâu công bố. Sách này cho rằng:
“Dương Thị Vân phản bội chồng
Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
Đặt mưu hiểm lập chước gian
Đầu độc giết chết Tiên Hoàng cha con
Đỗ Thích tri hậu nội quan
Đi tuần về thấy tâm can hãi hùng
Nhẩy ngay lên mái điện rồng
Bụng đói miệng khát long đong ba ngày
Trời mưa hứng nước dơ tay
Triều đình hô hoán lôi ngay xuống đình
Đổ cho tội thí Đinh Đinh
Để Lê gia xuất thánh minh trị vì”.
Như vậy, cùng một nhân vật Đỗ Thích mà ta có đến mấy thuyết: giết vua cướp ngôi, giết người báo thù, bị kẻ khác giật dây và nhân chứng bị vu khống. Dù sao đi nữa, đó cũng là bốn cố gắng lý giải cho hợp lý một câu chuyện gốc vốn đã chứa nhiều điểm phi lý. Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng từng nhận xét rằng “những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này”. Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh, chính bài sấm “Đỗ Thích thí Đinh Đinh” là “nhằm tạo điều kiện hay che giấu thực tế việc giết cha con Đinh Bộ Lĩnh đưa Lê Hoàn lên ngôi”. Ông cho biết rằng theo An Nam chí nguyên thì Đinh Bộ Lĩnh chết trước, còn Đinh Liễn thì bị Lê Hoàn giết. Ông cho rằng nói như vậy e rằng mới đúng thực tế lịch sử. Có điều, nói đến thực tế lịch sử thì phải thừa nhận bản chất lịch sử nhà Đinh không hề đơn giản.
(Trích từ sách Mật bổn – những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)