Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục tác động lớn đến ngành du lịch trong, ngoài nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Xin ông cho biết tình hình của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19?
Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục tác động lớn đến ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Công tác triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, các lễ hội, các hoạt động tương tác bên ngoài của ngành hầu như bị trì hoãn hoặc dừng thực hiện. Các doanh nghiệp du lịch qua các đợt dịch vừa rồi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp, lao động biến động.
Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, du lịch trên địa bàn hầu như ngưng hoạt động, trong đó có 90% các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch… tạm dừng hoạt động; hơn 7.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch bị thất nghiệp, không có thu nhập hoặc chuyển ngành nghề khác.
Có thể thấy, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi và khai thác sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, tình hình nguồn nhân lực du lịch có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.
6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt 573,89 ngàn lượt, giảm gần 57% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch đạt 1.004 tỷ đồng, giảm gần 68% so với cùng kỳ (chỉ bằng 1/6 so với cùng kỳ năm 2019).
– Trong bối cảnh khó khăn như vậy, để tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch, ngành đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Hiện nay, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Kế hoạch phục hồi phát triển du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát, tập trung một số vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch. Tiếp tục triển khai Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch đối với các đơn vị kinh doanh du lịch – dịch vụ nhằm đảm bảo an toàn trong triển khai hoạt động du lịch; tiếp tục cập nhật và triển khai hệ thống Bluemap (bản đồ các điểm du lịch an toàn), bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong bối cảnh mới. Đồng thời, xây dựng cơ chế đón khách du lịch đến từ các địa phương không có dịch; khách du lịch đến từ các địa phương có dịch nhưng không nằm trong vùng bị cách ly.
Thứ hai, thực hiện các kế hoạch truyền thông, quảng bá du lịch. Thừa Thiên Huế tiếp tục chiến lược truyền thông “Huế – điểm đến an toàn”; Kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ để các nhóm cộng đồng, các đơn vị, tổ chức tham quan, các điểm du lịch của tỉnh, các di tích, di sản trong tỉnh, các doanh nghiệp trong tỉnh tiêu thụ, sử dụng dịch vụ; Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cơ sở dịch vụ du lịch tại các địa phương lân cận, các tỉnh thành hết dịch để tổ chức các gói sản phẩm hấp dẫn hoặc các chương trình kích cầu; Tối ưu hóa quảng cáo đối với các thị trường truyền thống để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế…
Thứ ba, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ và hoàn thiện đồng bộ việc tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong ngành du lịch; Tiếp tục kiến nghị chính phủ các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, giảm nợ, giảm lãi vay ngân hàng…; Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ, kỹ tập huấn phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên các doanh nghiệp để hỗ trợ đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Thứ tư, tiếp tục các giải pháp kích cầu du lịch bằng các gói kích cầu do doanh nghiệp triển khai cùng các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Thông qua Hiệp hội Du lịch kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục triển khai ưu đãi, khuyến mãi, tặng thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng, giảm giá trực tiếp,…để hình thành gói kích cầu mang tính đồng bộ, thống nhất ở địa phương; Đề xuất chuỗi, gói sản phẩm du lịch an toàn trên địa bàn như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; thưởng thức ẩm thực; các khu du lịch; điểm tham quan, vui chơi gắn với thiên nhiên…; Khuyến khích xây dựng các tour du lịch khám phá địa phương; Hình thành khối liên minh các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu nội tỉnh.
Ngoài ra, ngành đang trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm di tích, thời gian kéo dài đến hết năm 2021 và phương án cho 2022. Tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước và khu vực miền Trung để tiếp tục triển khai tổ chức một số sự kiện văn hóa, du lịch tại địa phương với quy mô phù hợp nhằm thu hút du khách (Festival Nghề truyền thống Huế 2021, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, Lễ hội Lân, Ngày hội Hiphop, Ẩm thực…).
Thứ năm, về những giải pháp phát triển dài hạn, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thành tiêm vắc xin cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch – dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vắc-xin” trong thời gian tới.
Ngành sẽ nỗ lực chuẩn bị đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực để đáp ứng phục vụ khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới; Đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên cho các giải pháp sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch nhằm tăng cường chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao hình ảnh điểm đến.
– Hiện nay, “hộ chiếu vắc xin” được xem là cơ hội vàng để khôi phục nền kinh tế mũi nhọn đang trên chết dần chết mòn. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
“Hộ chiếu vắc xin” đang được coi là chìa khóa vàng để mở lối thoát, từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã, đang và sẽ nghiên cứu để tham mưu cơ quan có thẩm quyền các giải pháp triển khai thực hiện mô hình “hộ chiếu vắc xin”.
Vừa qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã chủ động đề xuất tham mưu Ủy ban nhân tỉnh triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho 3.650 cán bộ, nhân viên và người lao động trong ngành du lịch. Việc được tiêm chủng không chỉ giúp cán bộ, nhân viên và người lao động trong ngành du lịch tự tin phục vụ khách mà còn tạo sự yên tâm đối với du khách khi đến Huế.
Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước có lao động trong ngành du lịch được tiêm chủng. Người lao động nói riêng và toàn ngành du lịch Huế nói chung sẵn sàng hoạt động đón khách nội địa và tiến đến đón khách quốc tế trở lại. Tạo tiền đề cho việc đề xuất các chính sách, giải pháp kích cầu du lịch mới khi mở cửa du lịch…
Hiện, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu, đề xuất thí điểm triển khai mô hình “hộ chiếu vắc xin” tại một số khu vực biệt lập như khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô và một số địa điểm khác phù hợp, thuận lợi cho việc triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh trước khi áp dụng chung cho toàn tỉnh.
Ngành sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp, phương án, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện thí điểm cũng đại trà. Trước mắt, tập trung tham mưu đề xuất để tất cả các đối tượng trong ngành du lịch và các dịch vụ có liên quan được tiêm chủng đồng bộ, đây là cơ sở cần thiết để thực hiện “hộ chiếu vắc xin”. Ngoài ra, phải chủ động triển khai giải pháp phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là giải pháp 5K.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.