Lĩnh vực điện gió của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn tứ bề do sự ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến ngày một căng thẳng, lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Việc chậm trễ gia hạn biểu giá FIT hiện hành hay với cơ chế giá FIT mới sẽ khiến các nhà đầu tư rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Hiệp hội điện gió "cầu cứu" Chính phủ gia hạn biểu giá FIT

Nhiều nhà đầu có nguy cơ phá sản nếu giá FIT không được gia hạn kịp thời.

Trước những diễn biến vô cùng phức tạp bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư điện gió “khẩn khoản” mong Chính phủ quan tâm gia hạn biểu giá FIT hiện nay thêm từ 03 – 06 tháng nữa (tính từ ngày 30/10/2021), để những dự án điện gió đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể vận hành thương mại đúng thời hạn.

Gửi đơn kêu cứu tới Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện Mặt trời Bình Thuận cho biết, mặc dù biết Chính phủ đang tập trung tâm huyết, chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch, nhưng chúng tôi cũng rất mong Chính phủ quan tâm tới lĩnh vực điện gió. Bởi ở giai đoạn này hàng trăm dự án điện gió đang lo lắng vì nguy cơ phá sản do không kịp hoàn thành trước tháng 11/2021.

Trong đơn cầu cứu, ông Thịnh phân tích, điện gió Việt Nam sau 12 năm được ưu tiên phát triển với chính sách khuyến khích của Nhà nước, đến nay cả nước mới có 12 dự án điện gió, tổng công suất gần 600MW đi vào vận hành, chưa đạt mục tiêu 800MW vào năm 2020 thuộc Quy hoạch phát triển điện VII (Tổng sơ đồ 7) đã được Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt hiện nay, có trên 100 dự án với tổng công suất khoảng 5.000MW đang gấp rút hoàn thành theo thời hạn giá mua điện gió (giá FIT) hiện hành sẽ hết hạn vào 31/10/2021.

Mặc dù các chủ đầu tư dự án điện gió đang nỗ lực hết sức cho mục tiêu trên, tuy nhiên do dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội trong đó có các dự án điện gió, đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành trước 31/10/2021, vì những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do Covid 19 các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam, hoặc đến được thì phải cách ly theo quy định hiện hành (21 ngày);

Thứ hai, việc vận chuyển thiết bị (phần lớn là siêu trường, siêu trọng) đến công trường đang gặp rất nhiều trở ngại do nhiều cảng bị phong tỏa, xe trên đường đi chuyển rất chậm do thủ tục khai báo y tế và xét nghiệm Covid ở từng địa phương;

Thứ ba, việc thiếu hụt lao động thi công trên công trường một cách trầm trọng vì hàng loạt tỉnh thành đang đồng thời thực hiện cách ly theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, việc điều động nhân công, thiết bị phục vụ thi công gần như bị đình trệ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án;

Thứ tư, việc nghiệm thu vận hành thương mại (COD) cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi hàng loạt dự án cùng thực hiện trong tháng 9 và 10 năm 2021; trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.

Trước những khó khăn trên, đại diện Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời đề xuất “xem xét gia hạn thời hạn giá FIT của điện gió thêm từ 3-6 tháng nhằm trách việc hàng loạt các dự án điện gió bị phá sản. Các nhà đầu tư điện gió cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và các địa phương trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid 19″.

Hiệp hội điện gió "cầu cứu" Chính phủ gia hạn biểu giá FIT

Các doanh nghiệp đầu tư điện gió, khẩn khoản gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng và các Bộ ngành xem xét gia hạn thời hạn giá FIT

Trước đó, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cũng nhận định sự quan tâm của các nhà đầu tư đến phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đã chậm lại đáng kể, vì các dự án điện gió trên bờ thường yêu cầu hai năm để phát triển trong khi đó biểu giá điện FiT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11/2021. 

Việc chưa có kế hoạch rõ ràng về giá FIT từ năm 2022 trở đi khiến các nhà đầu tư lo ngại đến những bất định nếu cam kết đầu tư vào các dự án điện gió mới. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ngành năng lượng sạch  trong tương lai mà còn dẫn đến hệ luỵ phải cắt giảm công ăn việc làm của hàng ngàn lao động.

Bên cạch đó, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC cho rằng, do quy định về khuôn khổ thời gian thực hiện dự án nên chậm trễ trong gia hạn biểu giá FiT dẫn tới nguy cơ xảy ra giai đoạn “suy thoái” của ngành, khi đó rất ít dự án được kết nối với lưới điện trong giai đoạn 2022 – 2023. Về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực giảm chi phí nhờ phát triển chuỗi cung ứng nhất quán, quy mô lớn và kết quả là Việt Nam sẽ khó hoàn thành được mục tiêu phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo.