Thời nhà Lê Trung hưng (1533-1789), trong số các nhà khoa bảng danh tiếng, có tên Nguyễn Đăng Đạo. Nói tới ông, Tam khôi bị lục của Hồ Ngu Thụy cho biết: “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh: Nguyễn Đăng Đạo. Người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, 33 tuổi đỗ, ứng chế cách; mùa thu năm Giáp Tuất, làm Lại Bộ Thượng thư. Mùa xuân năm Đinh Sửu, đi sứ Tàu. Năm Bính Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh, làm chức Bồi thần, Đô ngự sử vào hầu Kinh Diên, tước Thọ lâm tử. Coi việc thi cử, đổi tên Đăng Liễn, mùa đông năm Giáp Tý, vua niệm ân thăng cho Binh bộ Thượng thư, tước Bá, giữ chức Bồi thần như cũ. Kỳ thi về mùa xuân năm Ất Mùi, lại được phụng sung cống cử. Năm Mậu Tuất làm chức Tham tụng kiêm Đông các Đại học sĩ, cùng với Đàm công Hiệu đồng nắm chính quyền. Ông Đăng Đạo chết được tặng Thượng thư”.
Nguyễn Đăng Đạo vừa đỗ đại khoa, lại có được vợ đẹp
|
Làng Hoài Bão quê Nguyễn Đăng Đạo, có tên nôm là làng Bịu, một làng khoa bảng ở Bắc Ninh, nên ông còn được gọi là “Trạng Bịu”. Lại điểm riêng nữa về ông, Bắc Ninh phong thổ tạp ký có ghi:
Tiến sĩ làm Thượng thư trong thiên hạ cũng có,
Trạng nguyên làm Tể tướng thế gian này không có ai.
(Nguyên văn: Tiến sĩ Thượng thư thiên hạ hữu,/Trạng nguyên Tể tướng thế gian vô)
Sơ lược tiểu sử như vậy, thấy ông Đạo cũng thuộc hàng danh vọng ở đời, nhưng để có tên có tuổi như thế, lại phải nhìn về lúc vị đại khoa làng Hoài Bão chưa ghi danh bảng vàng, mà thấy rằng, tạo lập được công danh sự nghiệp về sau, Nguyễn Đăng Đạo dù tài năng có sẵn, nhưng cũng nhờ có… ông ngoại của con mình, góp công góp sức, để danh vọng được ở đời.
Việc ấy, Vũ Trinh trong Kiến văn lục có ghi lại. Theo đó vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), Nguyễn Đăng Đạo cùng bạn bè dạo bước kinh kỳ, đến cổng chùa Báo Thiên thì bắt gặp trên chiếc kiệu kia một thiếu nữ nhan sắc mặn mà khiến chàng ta ngây người ra ngắm, bước chân cứ thế theo kiệu mà đi. Đến khi kiệu vào một dinh thự lớn, chàng ta mới dừng lại. Hỏi thăm thì được biết dinh võ quan Ngô Hiến hầu, là người được cử coi cấm binh ở kinh thành.
Say đắm người đẹp, Nguyễn Đăng Đạo dò la tìm hiểu đường đi lối vào dinh rồi đêm hôm sau vượt mấy lớp tường, lần thẳng đến chỗ buồng người đẹp. Việc bị lộ, Đăng Đạo bị lính tráng bắt, trói ghì lại. Ngô Hiến hầu giận lắm khi có kẻ dám cả gan đột nhập vào nhà mình. Nhưng khi trông rõ kẻ kia mặt mũi nho nhã, nói năng đĩnh đạc nên không nỡ gia hình. Lúc đó, lại có quan đồng liêu họ Phạm đến chơi biết việc, liền nói với Ngô Hiến hầu:
– Kẻ làm việc phi thường ắt có tài khác thường. Tên này chắc có tài cán, hoài bão gì đây. Chi bằng xem nó có tài gì không. Nếu có thì nhân đó tác thành cho nó. Còn là loại côn đồ thì đánh chết chưa muộn.
Ngô Hiến hầu nghe lời bạn cho là hợp lý, liền lệnh gọi Đăng Đạo vào, bắt làm văn để thử tài. Vốn trong bụng chứa cả bồ chữ, nên Đăng Đạo hạ bút viết liền một mạch xong ngay. Quan họ Phạm đọc xong thì hết lời ngợi khen, nói riêng với quan Ngô Hiến hầu:
– Nghìn vàng cũng chẳng tìm được đứa rể quý như thế đâu!
Bia tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683)
|
Thấy Nguyễn Đăng Đạo tài học như vậy, Ngô Hiến hầu liền lệnh tha tội cho, rồi hỏi danh tính, quê quán, lấy làm ưng bụng, đối xử tử tế. Ông làm phòng riêng cho ở, cấp dầu đèn cho học. Năm sau, Nguyễn Đăng Đạo đi thi đỗ đầu kỳ thi Hương, được Ngô Hiến hầu đón về ở rể, tác thành nhân duyên với con gái mình. Vài năm sau, Đăng Đạo thi Đình, đỗ thứ nhất. Trong Đại Việt sử ký tục biên cho biết vào năm Giáp Tý (1684): “Mùa xuân, tháng Giêng, thi Đình. Cho Nguyễn Đăng Đạo, Phạm Quang Trạch, Quách Giai ba người đỗ tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Đương Hồ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp); bọn Trần Thiện Thuật 14 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”. Tại “Văn bia đề tên tấn sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683)” được dịch trong Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký, tên Nguyễn Đăng Đạo đứng đầu hàng Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, tương đương Trạng nguyên trong Tam khôi. Nói thêm về dòng họ Nguyễn Đăng Đạo, thực cũng không hổ danh dòng danh gia. Nguyễn Đăng Đạo con trai thứ hai của Tiến sĩ, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Đăng Minh, em Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân, và là cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo.
Nếu cái đêm đục tường khoét vách ấy, Ngô Hiến hầu mà cả giận mất khôn thì hẳn Nguyễn Đăng Đạo đã dễ chừng hồn lìa xác hoặc chí ít là thân bạn xà lim chứ chẳng được làm con rể của ông. Là võ quan, nhưng Ngô Hiến hầu kể ra cũng có tầm nhìn xa khi nhận ra tài năng của Đăng Đạo, để rồi sẵn lòng đầu tư cho anh chàng dùi mài kinh sử và sau đó, bảng vàng đề tên, chân rộng bước vào chốn quan trường, lại còn được làm con rể nữa. Thực là, cái công của ông ngoại – Ngô Hiến hầu – to lắm lắm.