Trong tiếng Pháp, maquereau có nghĩa là cá thu, song khi trở thành từ lóng thì có nghĩa tương tự như ma cô trong tiếng Việt. Ví dụ: La police recherche le maquereau de ces prostitués (Cảnh sát đang truy tìm tên ma cô của bọn gái mại dâm này).
Cái từ ‘ma cô’ gốc Pháp xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây không phải là từ ma cô duy nhất trong tiếng Việt, bởi vì chúng ta còn thấy những từ ‘ma cô’ khác, mang ý nghĩa khác hẳn.
Ma cô là nữ thần ?
Trong thần thoại và truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc, Ma Cô (麻姑) là nữ thần trường thọ và là trụ cột của Tám vị thần bất tử. Ma Cô còn được xem là tiên nữ trong truyện cổ tích, rất xinh đẹp với móng dài như chim.
Theo truyền thuyết Ma Cô bị cha mình là Ma Thu (麻秋) – một vị tướng trong thời kỳ thập lục vương quốc, giam cầm đến mức không chịu nỗi phải bỏ trốn, trở thành nàng tiên trên một chiếc cầu, về sau, để tưởng nhớ đến nàng, hậu thế đặt tên cho chiếc cầu đó là Ma kiều (麻橋).
Nhìn chung, có nhiều giả thuyết về vị ma cô này, song, có lẽ Ma Cô xuất hiện sớm nhất là trong Thần tiên truyện (神仙傳) của Cát Hồng (葛洪) vào triều đại nhà Tấn (266 – 420 DL). Thành ngữ Ma cô hiến thọ (麻姑獻壽) là lời chúc mừng sinh nhật của Ma cô, thường được nghệ thuật Trung Quốc sử dụng như một mô típ tượng trưng cho tuổi thọ của phụ nữ.
Nấm Tứ bào ma cô 四孢蘑菇 (Agaricus campestris)
|
Trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (NXB Thế Giới, Hà Nội, 1997), mục Ma Cô Sơn có đoạn: ‘Mé bên trái của biển Di Luân thuộc châu Bố Chính, Nghệ An có núi Ma Cô, cách châu Bố Chính một tháng đường đất, tục gọi là núi Lễ Đệ. Tương truyền tiên nữ Ma Cô đã từng đến đây, cho nên gọi tên là núi Ma Cô” (tr. 367).
Có lẽ đây là núi Ma Cô ở Quảng Bình ngày nay, còn được gọi là núi Lệ Đệ, Lễ Đễ, Đệ Thê…(?). Tương truyền vào năm Minh Đạo thứ 2, Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành, lúc đi đến núi Ma Cô thấy trên đỉnh có nhiều tiên nữ bay xuống trần gian, vui đùa múa hát. Nhà vua còn thấy đám mây tía đỡ mặt trời, vầng mây đẹp che thuyền ngự… Nghĩ là điềm lành vua lập đàn khấn vái, sau này khi chiến thắng trở về, vua cho lập Chùa Hang dưới chân núi Lệ Đệ để nhớ ngày tiên giáng trần.
Ma cô (蘑菇) còn là tên gọi chung cho những loài nấm thuộc chi Agaricus, Thông thường khi nhắc đến Ma cô thì người ta nghĩ đến loài nấm có tên khoa học là Agaricus campestris. Đây là loài nấm phổ biến nhiều nơi trên thế giới, thường được dùng làm thực phẩm.
Nấm Hoàng ban ma cô 黃斑蘑菇(Agaricus xanthodermus)
|
Ở Bắc Mỹ người ta gọi nấm này là nấm đồng hay nấm đồng cỏ; còn ở Trung Quốc chúng được gọi là Tứ bào ma cô (四孢蘑菇, Agaricus campestris), một loài có quan hệ mật thiết với Song bào ma cô (雙孢蘑菇, Agaricus bisporus). Cần lưu ý để tránh ăn nhầm một loài nấm độc tên là Hoàng ban ma cô (黃斑蘑菇, Agaricus xanthodermus), một loại cũng là nấm màu trắng như Tứ bào ma cô nhưng ở phần thân trên nấm có những vệt màu vàng.
Tóm lại, từ “ma cô” trong tiếng Việt không những chỉ kẻ hành nghề dắt gái mại dâm, mà ở nhiều nơi trên thế giới còn dùng để chỉ 1 tiên nữ, những ngọn núi hay là một số loại nấm thuộc chi Agaricus.