Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải truy đến cùng khan hàng xăng dầu là do đại lý, cửa hàng không nhập được hàng hay còn hàng mà không bán, chờ tăng giá.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải truy đến cùng khan hàng xăng dầu là do đại lý, cửa hàng không nhập được hàng hay còn hàng mà không bán, chờ tăng giá.
Bộ trưởng Công thương cho biết sẽ truy đến cùng việc khan hàng, ngừng bán xăng dầu vừa qua là do thiếu hàng thật hay đầu cơ chờ tăng giá và sẽ làm rõ trách nhiệm từ cửa hàng, thương nhân phân phối đến đầu mối nhập khẩu bởi thực tế nguồn cung xăng dầu trong nước không hề thiếu.
Xăng dầu không thiếu, sao treo biển hết hàng?
Chiều 9.2, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các địa phương và một số doanh nghiệp (DN) lớn về đảm bảo cung ứng xăng dầu trước những thông tin thiếu hàng, ngừng bán rải rác tại nhiều địa phương những ngày qua.
Tổng nguồn cung xăng đầu được cho là không hề thiếu |
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho hay lượng xăng dầu tồn kho tại các DN đầu mối tính đến cuối tháng 1 còn 1,3 triệu m3; trong đó xăng còn 620.000 m3 và dầu diesel là 650.000 m3, chưa kể tồn kho trong các thương nhân phân phối, đại lý. Dự kiến lượng mua vào đến hết tháng 2 khoảng 1,55 triệu m3.
Lực lượng QLTT tỉnh An Giang kiểm tra một cây xăng trên địa bàn xã Định Thành, H.Thoại Sơn vào sáng 8.2 |
“Với nhu cầu mỗi tháng cả nước dùng khoảng 1,8 – 2 triệu m3 các loại thì nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng thị trường trong tháng 2”, ông Đông nói và cho biết thêm từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, tồn kho thấp hơn, song Nhà máy Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ ngày 13.3.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí (PVN), thông tin trong tháng 1, nguồn cung từ Nhà máy Dung Quất đã cao hơn 18% so với hợp đồng. Tương tự dù trục trặc nhưng Nhà máy Nghi Sơn vẫn cung vượt hợp đồng 12%. Dù vậy, theo ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng phụ trách Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex), với dầu diesel thì Petrolimex chỉ nhận được từ Nghi Sơn vẻn vẹn 31% theo hợp đồng. Trong khi lượng hàng mua từ Nghi Sơn chiếm tới 45% hàng nhập của tập đoàn này. Do đó, DN phải tăng nhập khẩu để thị trường không bị gián đoạn và điều này là vô cùng rủi ro cho DN nếu chẳng may tới đây giá giảm.
“Mỗi ngày trung bình chúng tôi bán khoảng 23.000 m3 các loại. Thế mà trong ngày 7, 8.2 vừa qua, con số bán ra mỗi ngày lên đến 32.000 m3, tức tăng 30% so với ngày thường. Cho nên đầu mối khác thế nào không biết, cửa hàng hệ thống khác thế nào không biết, chứ hệ thống của Petrolimex không có chuyện thiếu hàng, ngừng bán”, ông Năm nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cho rằng tổng nguồn không hề thiếu nhưng rõ ràng có sự không đồng đều. “Đặc biệt là mạng lưới thuộc các DN đầu mối nhỏ có hiện tượng đứt gãy, găm hàng. Cho nên quan trọng là phải rất rõ ràng, làm rõ đứt ở đâu, khan ở đâu. Ở đầu mối hay thương nhân phân phối, rồi cuối cùng là đại lý, cửa hàng. Cơ quan quản lý cần mạnh tay với người không tuân thủ”, ông Bảo nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định nguồn cung hiện tại đủ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Thừa nhận “có trục trặc một chút”, Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất từ 105% xuống còn 80% cách đây 20 ngày, ông Hải đề nghị Nhà máy Nghi Sơn cần thông báo sớm, chính thức cho đầu mối để họ chủ động nhập khẩu bù vào phần thiếu hụt. Ông Hải nhấn mạnh rằng trước đây ta nhập khẩu 100% cũng không thiếu, thì giờ đây trong nước đã tự chủ 70% thì càng không có lý gì để thiếu hàng, miễn là các bên phải tôn trọng hợp đồng, có thông báo, kế hoạch rõ ràng.
Nhiều cớ găm hàng
Trả lời Thanh Niên hôm qua, phó giám đốc một công ty đầu mối xăng dầu phía nam cho rằng giá xăng dầu thế giới đang tăng mạnh, trong khi giá trong nước đến nay lại chưa được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 95/2021 là lý do chính khiến nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương trong thời gian qua xảy ra khan hàng, đóng cửa, thiếu cục bộ.
Vị này phân tích: “Trong cuộc họp mới đây với Sở Công thương TP.HCM, một số thương nhân cho rằng tình trạng khan hàng do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng nhập khẩu dầu thô nguyên liệu đã tác động không nhỏ đến thị trường xăng dầu là chưa chính xác đâu. Nói đúng hơn đó chỉ là cái cớ để găm hàng. Thứ sáu này (11.2) tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, khả năng cao là ém hàng để bán giá cao chứ thiếu thì không phải”.
Lãnh đạo một tập đoàn lớn ở phía bắc thì nói thẳng rằng trước kia các đại lý được mua nhiều đầu mối, nhiều thương nhân, tuy nhiên do giá lên cao nên các đầu mối chỉ cấp theo đúng số lượng hợp đồng ký trước nên hàng bán ra ít hơn là có thật. “Đặc biệt, nhiều đầu mối, thương nhân nhỏ hiện nay lỗ thì họ hạn chế nhập, kéo theo đại lý cũng bị khan hàng. Hiện giá bán lẻ chênh giá cơ sở hơn 1.000 đồng/lít thì càng bán ra càng lỗ, nên các đầu mối nhỏ họ cũng không mặn mà. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu tại kỳ điều hành ngày 11.2 mà tăng giá trên 1.000 đồng, hoặc tăng giá một nửa và cho xả Quỹ bình ổn bù được 50% thì mọi chuyện sẽ ổn”, ông nói thêm.
Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo các tỉnh Đắk Lắk, Long An và một số địa phương phía nam nhận định và phản ánh về Bộ Công thương.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, lại là mặt hàng chiến lược, nên không thể “lãi thì bán, lỗ thì ngưng”. Thậm chí ông Diên tuyên bố tập thể lãnh đạo Bộ Công thương đã thống nhất sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nhất theo quy định và xin ý kiến Thủ tướng cả biện pháp vượt khung để xử lý với hành vi găm hàng. “Chúng tôi tin có rất nhiều thương nhân, DN đang rất mong muốn được thay thế, để tham gia kinh doanh làm đầu mối hoặc thương nhân phân phối”, ông Diên nói.
Kết luận cuộc họp, tư lệnh ngành công thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cùng Vụ Thị trường trong nước phối hợp các sở công thương địa phương thành lập tổ công tác liên ngành, tăng cường kiểm tra đột xuất 1 – 2 lần/ngày đối với các cửa hàng, thương nhân và DN đầu mối.
“Phải truy đến cùng khan hàng là do đại lý, cửa hàng không nhập được hàng hay còn hàng mà không bán, chờ tăng giá. Nếu còn hàng mà không bán thì phải rút giấy phép cửa hàng. Không thể chấp nhận được những lý do ngừng bán như là vì đi ăn giỗ, cột bơm hỏng được. Còn nếu thiếu hàng thật thì phải truy xem ông lấy hàng từ thương nhân nào, đầu mối nào. Nếu đầu mối không cấp đủ hàng thì xử lý đầu mối. Còn nếu kiểm tra thấy đầu mối nào trong 6 tháng vừa qua không nhập hàng thì phải xử lý đầu mối, điều chỉnh hoặc kiên quyết rút giấy phép”, Bộ trưởng yêu cầu phải có báo cáo việc kiểm tra trước ngày 20.2.
Thanh Hóa bán theo số lượng bình quân, không theo nhu cầu
Ngày 9.2, thông tin từ Sở Công thương Thanh Hóa cho biết hiện trên địa bàn tỉnh này cũng đang diễn ra tình trạng khan hiếm xăng dầu, nhưng chưa đến mức các cây xăng phải đóng cửa hoặc bán theo giờ.
Để đảm bảo nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất và nhu cầu người dân, Sở Công thương Thanh Hóa đã có văn bản gửi các địa phương và các DN kinh doanh xăng dầu đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để đảm bảo việc bán hàng không bị gián đoạn.
Xử lý nghiêm đối với trường hợp thương nhân kinh doanh xăng dầu tự ý ngừng bán hàng khi chưa có văn bản chấp thuận của Sở Công thương Thanh Hóa. Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Thanh Hóa, cho biết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 577 cây xăng dầu, và dù nguồn cung đang khan hiếm, nhưng tính đến hết ngày 8.2, chưa có cây xăng dầu nào phải ngừng hoạt động.
Các DN cung ứng xăng dầu vẫn đảm bảo nguồn cung, nhưng cung ứng theo số lượng bình quân chứ không cung ứng theo nhu cầu các DN. Tình trạng khan hiếm xăng dầu có nguyên nhân từ việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất sản xuất.
Minh Hải
Vẫn bất an với Nhà máy Nghi Sơn
Liên quan trục trặc của Nhà máy Nghi Sơn, ông Diên yêu cầu Tập đoàn dầu khí có ý kiến để DN này có cam kết bán ra theo đúng hợp đồng. Nếu không phải chịu các thiệt hại về kinh tế cho đối tác và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị PVN làm việc với Nhà máy Nghi Sơn để thông báo sớm, chính thức cho các đầu mối để DN đầu mối chủ động nhập khẩu nếu thiếu hàng từ Nghi Sơn. Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết thêm việc PVN tuyên bố nhà máy này cung ứng vượt so với hợp đồng sẽ khiến các đầu mối, thương nhân ảo tưởng về khả năng được cấp hàng. Trong khi việc đàm phán giữa PVN với các bên tại liên danh này vẫn còn nhiều điều khó lường. “Cần phải thông báo rõ chứ nếu tới tháng 5 mà không xong, thì việc chuẩn bị nguồn sẽ bị động. Bởi nói nhập khẩu không thiếu nhưng không phải đầu mối nào cũng dễ dàng tiếp cận được. Ví dụ tại thị trường Nhật Bản dồi dào nhưng lại không được ưu đãi thuế như ASEAN”, ông Bảo cảnh báo.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.