Suốt 20 năm nỗ lực, sáng tạo, Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc xây dựng và phát triển VTV5 trở thành kênh chuyên biệt được đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước tin yêu.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, lãnh đạo Đài THVN, sau một thời gian phát thử nghiệm chương trình truyền hình tiếng dân tộc, ngày 10/2/2002, kênh VTV5 đã chính thức phát sóng chương trình đầu tiên, đánh dấu một sự kiện quan trọng – đồng bào dân tộc thiểu số theo từng vùng miền được xem các chương trình truyền hình được thiết kế riêng, bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Trước đó, Truyền hình tiếng dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng được ghi trong các Nghị quyết của Đảng, các Quyết định của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với sự hưởng thụ văn hóa của dân tộc thiểu số; khẳng định sự bình đẳng về mặt chính trị và góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Từ thời điểm đó, tập thể lãnh đạo Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc qua các thời kì cùng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim… của Ban đã quán triệt tinh thần quyết tâm gánh vác trọng trách, sứ mệnh đầy nặng nề những cũng hết sức ý nghĩa, vinh quang mà Đảng, Nhà nước và Đài THVN đã giao phó. Từ những bước đi ban đầu bỡ ngỡ, khó khăn, xây dựng một kênh sóng đặc thù riêng biệt, những người làm truyền hình Tiếng Dân tộc đã từng bước khẳng định được bản lĩnh, sức sáng tạo và đặc biệt là niềm đam mê, tâm huyết trong việc thiết kế các chương trình riêng phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền.
Ê-kíp sản xuất chương trình Tết với đồng bào 2022 chụp ảnh kỉ niệm với khách mời – ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Từ ngày 01/01/2016, Ban Truyền hình tiếng dân tộc đã chính thức phát sóng kênh VTV5 Tây Nam Bộ. Nội dung các chương trình phản ánh toàn diện về đời sống, kinh tế – xã hội của các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa ngày càng cao của đồng bào dân tộc Khmer trong khu vực. Đây là kênh truyền thông quan trọng góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đến với đồng bào dân tộc Khmer.
Ngày 17/10/2016, kênh truyền hình quốc gia VTV5 Tây Nguyên chính thức ra mắt khán giả cả nước, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa ngày càng cao của đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực, mà đây còn là kênh truyền thông quan trọng góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và miền núi đến với đồng bào Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Đây thực sự là một bước tiến mới của kênh VTV5, là sự phát triển cần thiết theo hướng phục vụ tối đa nhu cầu của đồng bào dân tộc ở mọi vùng miền trên cả nước, phù hợp với xu hướng phát triển của truyền hình hiện đại.
Một bối cảnh sân khấu công phu, hiện đại của chương trinh Tết do VTV5 sản xuất.
Đặc thù của Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc là sản xuất các chương trình truyền hình phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, là cầu nối cập nhật những thông tin, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến với bà con. Ngược lại, VTV5 cũng đồng hành, cất lên tiếng nói của đồng bào, phản ánh những thực trạng, tồn tại cũng như những cái hay cái đẹp trong đời sống, văn hóa của bà con vùng dân tộc thiểu số đến với đông đảo người dân cả nước.
Đội ngũ VTV5 luôn tự hào và sẵn sàng lên đường tới những vùng sâu, xa, hải đảo, miền núi với slogan “Đồng bào ở đâu – VTV5 ở đó”. Nghề truyền hình được coi là một nghề vất vả, làm phóng viên của VTV5 thì khó khăn, vất vả lại nhân lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đông đảo đội ngũ sản xuất ở VTV5, VTV Tây Nguyên, VTV5 Tây Nam Bộ đã không quản gian khó, lặn lội tìm đến những vùng sâu, xa nhất để tìm hiểu, đặc tả số phận, hành trình trên đường đi đến ấm no hạnh phúc của các cộng đồng thiểu số rất ít người như người Ơ Đu, người Brau, người La Hủ hoặc tộc người Đan Lai… Nhờ chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, với các dự án chương trình chăm sóc đồng bào thiểu số rất đầy đủ, nhân đạo và liên tục suốt mấy chục năm qua, đồng bào thiểu số đã từng bước vươn lên, văn hóa truyền thống được bảo tồn, nhiều tỷ phú chân đất đã xuất hiện.
Những miền đất bao đời qua, mới chỉ nghe tên thôi đã đủ thấy đó như là biểu tượng của sự hoang vu, nghèo khó, xa xôi trắc trở, nay đã vươn lên trở thành những đô thị tương đối sầm uất, điện đường trường trạm được kiện toàn. Đó là những vùng đất đã và đang cất cánh, như: Mường Tè, Mường Nhé, Đồng Văn, Mèo Vạc, Mù Căng Chải, Ngã Ba Đông Dương, Năm Căn, Đất Mũi, Cư Mgar, Ayun Hạ…
Tác nghiệp tại vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ.
Các phóng viên, đạo diễn của VTV5 đã đồng hành, gắn bó và chứng kiến, xúc động trước những sự đổi thay tích cực của đồng bào. Nhìn vào đội ngũ những con người ngày đêm tác nghiệp ở khắp các nẻo đường gian khó, không mệt mỏi với những chuyến đi nối tiếp nhau để thấy rằng họ có những trái tim nóng, đầy trách nhiệm với xã hội. Họ sẵn sàng “3 cùng” với bà con các dân tộc thiểu số để có được các tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của bà con và cũng được coi là những người con của bản làng đúng với tinh thần đồng bào ở đâu, phóng viên VTV5 ở đó.
Dấu ấn của mỗi cá nhân trong các thế hệ làm truyền hình Tiếng Dân tộc đều xuất phát từ sức sức mạnh cộng hưởng của niềm đam mê, năng khiếu, sự dấn thân và trách nhiệm với đồng bào. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những tài năng có triển vọng chỉ có thể phát huy khi lãnh đạo có con mắt xanh, sắp xếp đúng người, đúng việc. Và, những tấm gương sáng về sự say mê nghề nghiệp của lớp người đi trước đã hối thúc các bạn trẻ không ngừng học hỏi, trở nên vững vàng về nghiệp vụ. Để rồi, chính những người trẻ tiếp tục góp phần kiến tạo, củng cố vững chắc thương hiệu của các kênh sóng VTV5.
BTV Ngân Hà – gương mặt quen thuộc của Thời sự VTV5.
Đã từ lâu thói quen xem kênh truyền hình quốc gia VTV5 bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình đã trở thành thói quen của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Ở đó, họ được cung cấp những tin tức thời sự trong nước và quốc tế mới nhất; những tin tức, sự kiện mang tính định hướng, gắn liền với quyền lợi của đồng bào dân tộc, phản ánh được bức tranh chung của sự phát triển đất nước.
Thực tế cho thấy, chất lượng chương trình trên các kênh sóng VTV5 ngày càng được nâng lên cả về nội dung, hình thức thể hiện. Về mặt kỹ thuật luôn đạt chất lượng tốt. Kênh VTV5 đã xây dựng được tủ dữ liệu để Đài PT-TH trên cả nước có thể gửi tin bài một cách nhanh nhất, có thể khai thác dữ liệu khi cần. Tin tức phát sóng luôn nhanh chóng và kịp thời, nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ khán giả cả nước.
Ghi hình chương trình Tết.
Mỗi ngày, đội ngũ những người làm truyền hình tiếng dân tộc sản xuất, biên tập và phát sóng 24 giờ/ngày/kênh 3 kênh đó là: Kênh VTV5 gốc phát sóng toàn quốc và các kênh chương trình truyền hình tiếng dân tộc chuyên biệt VTV5 Tây Nam Bộ phủ sóng khu vực Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên phủ sóng khu vực Tây Nguyên; phát sóng các thứ tiếng dân tộc thiểu số và các chương trình phù hợp với đồng bào dân tộc ít người tại các khu vực miền Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên. Với nỗ lực của từng cá nhân trong tập thể lớn, đội ngũ những người làm truyền hình Tiếng Dân tộc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm cầu nối giữa Đảng- Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Các kênh VTV5 luôn xây dựng các vệt tuyên truyền lớn gắn với sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước. Các tin tức đảm bảo nhanh nhất, đầy đủ, chính xác nhất về mọi mặt đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và không chỉ phát sóng trong các bản tin trên kênh VTV5 mà còn phát sóng ở bản tin 19h trên VTV1 và được đánh giá cao. Mục Tiêu điểm phát sóng từ 2-3 lần/tuần đi sâu phân tích, tìm giải pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ về những vấn đề nổi bật, đang được dư luận quan tâm, nội dung về phát triển kinh tế; đời sống dân sinh; giữ gìn bản sắc văn hóa; các vấn đề về thị trường tiêu thụ nông sản ở vùng cao; giáo dục ở vùng miền núi dân tộc…
Nhóm phóng viên tác nghiệp tại Sơn La.
Bám sát mọi mặt và thấu hiểu các vấn đề về dân tộc và miền núi nên suốt những năm qua đội ngũ VTV5 đã đóng góp cho các kênh sóng của Đài THVN nhiều series phim tài liệu, ký sự chất lượng về mảng đề tài này. Những series phim tài liệu, những chương trình đặc sắc về vùng cao phát trên các kênh sóng của Đài đặc biệt là những dịp lễ, tết luôn mang thương hiệu của VTV5. Hay các chương trình đặc biệt như: Tết với đồng bào, Xuân về trong trái tim đồng bào là món ăn tinh thần vô cùng độc đáo, ý nghĩa trên các kênh sóng của VTV mỗi dịp Tết đến xuân về và chính là thương hiệu của Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc.
Với tinh thần không ngừng sáng tạo và tạo dấu ấn cho kênh sóng, mới đây, Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc lần đầu tiên sản suất các series phim hài sitcom dài tập như Câu chuyện pháp luật, Hoa nắng vùng cao (80 tập), Kỳ nghỉ trên bản Leng Keng (50 tập), các tiểu phẩm An toàn giao thông với sự tham gia diễn xuất của nhiều diễn viên nổi tiếng, mang đến màu sắc tươi mới cho các kênh sóng VTV5.
Hậu trường thực hiện series phim Hoa nắng vùng cao.
Thực hiện dự án Nâng cao năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc, nhiều năm qua, Ban Truyền hình tiếng dân tộc đã tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ sản xuất các chương trình truyền hình tiếng dân tộc tại 64 Đài PT-TH địa phương. Cùng với đó là sự hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc và đặt hàng sản xuất chương trình cho các kênh VTV5. Nhờ đó, chất lượng chương trình và năng lực của đội ngũ sản xuất các chương trình tiếng Dân tộc ở Đài PT-TH địa phương được nâng lên.
20 năm xây dựng và phát triển, VTV5 đã từng bước trưởng thành lớn mạnh, khẳng định bản sắc riêng của mình trong sự phát triển chung của Đài THVN. Với tinh thần vượt khó, sức sáng tạo và sự đồng lòng của cả tập thể, tin rằng những người làm truyền hình Tiếng Dân tộc tiếp tục phát huy được những thế mạnh trong tương lai, đưa các kênh sóng VTV5 bay cao, bay xa.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.