Tuesday, November 26, 2024

Sống chung với Covid-19 có phải biện pháp khả thi để thoát khỏi đại dịch?



Trong khi một số nước chọn cách sống chung với Covid-19 thì nhiều chuyên gia cho rằng việc “đi đường tắt” để mở cửa trở lại đang khiến những người chưa được tiêm vaccine gặp rủi ro và tới nay, con người vẫn chưa hiểu hết về virus này.

 

Sống chung với Covid-19

Anh đã dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19. Đức đang cho phép những người được tiêm vaccine đi lại mà không cần phải cách ly. Quy định đeo khẩu trang bắt buộc đã không còn thực hiện ở Italy. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa ở Singapore.

18 tháng sau khi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận, một số chính phủ ở châu Á và châu Âu đang khuyến khích mọi người quay lại nhịp sống thường ngày và chuyển sang một cuộc sống bình thường mới, các ga tàu điện ngầm, văn phòng, nhà hàng và sân bay,… lại đông đúc trở lại. Đáng chú ý, thông điệp của các nước này đều giống nhau: Chúng ta phải sống chung với Covid-19.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, các chiến lược thoát khỏi đại dịch dường như đang diễn ra quá sớm. Sự xuất hiện của những biến thể mới dễ lây nhiễm hơn đồng nghĩa với việc thậm chí những nước giàu với nguồn vaccine dư thừa, vẫn dễ bị tổn thương. Những nơi như Australia, quốc gia thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới, đang nhận ra rằng họ không thể ngăn chặn virus từ bên ngoài.

Mọi người bắt đầu được khuyến khích thay đổi quan điểm về đại dịch, tập trung vào việc hạn chế ca bệnh nặng và ca tử vong thay vì tập trung vào số lượng các ca mắc, vốn là điều không thể tránh khỏi. Những quốc gia với tham vọng “không Covid” cũng đang suy nghĩ lại về các chính sách của mình.

“Bạn cần phải nói với mọi người rằng: Chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều ca mắc. Và đây là một phần của kế hoạch. Chúng ta phải để điều này xảy ra”, Dale Fisher, giáo sư y học tại Đại học Quốc gia Singapore, người đứng đầu Ủy ban Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh quốc gia của Bộ Y tế Singapore cho hay.

Trong những tháng qua, nhiều người dân Singapore đã chú ý kỹ tới từng ca mắc mới. Tuy nhiên, khi số ca mắc lần đầu tiên tăng lên 2 chữ số, cảm giác sợ hãi là điều có thể cảm nhận rõ. Cùng với việc đóng cửa biên giới là cảm giác thất bại bởi ngay cả những biện pháp thận trọng và nghiêm ngặt nhất cũng không đủ để ngăn ngừa các ca mắc.

“Mọi người đều đã mệt mỏi trong cuộc chiến này. Tất cả đều đang đặt câu hỏi: Khi nào đại dịch này kết thúc và nó sẽ kết thúc như thế nào”, một nhóm Bộ trưởng Singapore nhận định trong bài bình luận trên Straits Times.

Các quan chức Singapore đã thông báo kế hoạch dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và vạch ra lộ trình cho một góc độ của đại dịch. Kế hoạch này chuyển sang việc giám sát số ca mắc bệnh nặng, có bao nhiêu người cần chăm sóc tích cực, bao nhiêu người cần đặt ống nội khí quản thay vì tập trung vào số ca mắc.

Liệu có khả thi?

Tuy nhiên, các biện pháp trên đều đang được kiểm nghiệm.

Sự bùng phát số ca mắc ở một số phòng karaoke và một chợ cá lớn khiến Singapore hôm 20/7 phải thông báo thắt chặt các biện pháp hạn chế. Bộ trưởng Thương mại Gan Kim Yong cho biết nước này vẫn đi đúng hướng để tiến tới mục tiêu cuối cùng. Singapore đã tiêm vaccine đầy đủ cho 49% dân số và dẫn ra Israel với 58% dân số được tiêm vaccine như một hình mẫu. Israel đã chuyển hướng tập trung vào số ca mắc nặng, một chiến thuật mà các nhà chức trách gọi là “sự ngăn chặn mềm mỏng”. Nước này cũng đối mặt với sự tăng vọt số ca mắc mới, từ 1 chữ số cách đây 1 tháng lên hàng trăm ca mắc mới chỉ trong 1 ngày. Israel gần đây đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong nhà.

“Điều này quan trọng nhưng cũng khá phiền phức”, ông Danny Levy, 58 tuổi, một người dân Israel nhận định. Ông Levy cho rằng ông sẽ đeo khẩu trang trong rạp chiếu phim nhưng ông cảm thấy chán nản khi các biện pháp hạn chế đang được tái áp đặt giữa bối cảnh các biến thể virus mới xâm nhập vào quốc gia này do những hạn chế trong việc xét nghiệm và giám sát những du khách mới đến.

Michael Baker, một nhà dịch tễ học tại Đại học Otago ở New Zealand cho rằng, các quốc gia đang đi đường tắt để mở cửa trở lại đang đặt những người chưa được tiêm vaccine vào rủi ro và đánh cược bằng sinh mạng của họ.

“Vào thời điểm này, tôi thấy khá ngạc nhiên khi một số quốc gia nghĩ rằng họ đã hiểu đủ về virus này và lựa chọn ‘chúng ta sẽ sống chung với nó”, ông Bake, cố vấn chiến lược xóa sổ Covid-19 của New Zealand nhận định.

Những người dân New Zealand dường như đã chấp nhận việc thực hiện các biện pháp hạn chế dài hạn. Trong một cuộc khảo sát gần đây do chính phủ tiến hành với hơn 1.800 người tham gia, 90% những người được hỏi nói rằng họ không nghĩ cuộc sống sẽ quay lại bình thường sau khi được tiêm vaccine, một phần là bởi những câu hỏi còn chưa được giải đáp về loại virus này.

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về “Covid kéo dài” – những triệu chứng lâu dài của Covid-19 được ghi nhận ở hàng trăm nghìn người từng mắc Covid-19. Họ cho rằng Covid-19 không nên được coi như bệnh cúm bởi nó nguy hiểm hơn nhiều. Họ cũng không chắc về thời gian miễn dịch mà vaccine cung cấp cũng như nó có thể bảo vệ con người trước các biến thể được đến đâu.

Nhiều nước đang phát triển vẫn đang đối mặt với sự gia tăng các ca mắc mới, khiến cho virus ngày càng có cơ hội lớn hơn để nhân lên nhanh chóng, tăng nguy cơ tạo ra nhiều đột biến hơn và lan rộng. Chỉ 1% những người ở các nước có thu nhập thấp nhận được 1 liều vaccine, dữ liệu từ dự án Our World in Data cho hay.

Tại Australia, một số nghị sĩ cho biết trong tháng này rằng, Australia đang ở “ngã ba đường” và nước này cần quyết định giữa áp dụng các biện pháp hạn chế lâu dài hay học cách sống chung với Covid-10. Các nghị sĩ này cũng cho rằng Australia cần đi theo nhiều nước trên thế giới và từ bỏ cách tiếp cận “không Covid”.

Gladys Berejiklian, người đứng đầu bang New South Wales đã ngay lập tức bác bỏ đề xuất trên.

“Không có quốc gia nào trên hành tinh này có thể sống chung với biến thể Delta khi tỷ lệ tiêm vaccine của chúng ta thấp như vậy”, bà Gladys Berejiklian bình luận. Chỉ khoảng 11% người dân Australia trên 16 tuổi được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng không ủng hộ lời kêu gọi thay đổi các biện pháp chống Covid-19 hiện tại. Sau khi thông báo kế hoạch 4 giai đoạn nhằm quay lại cuộc sống bình thường ngày 2/7, ông Morrison khẳng định biến thể Delta khiến kế hoạch này bị trì hoãn vô thời hạn.

Đặt cược vào vaccine

Tại những nơi mà vaccine có sẵn trong nhiều tháng như châu Âu, các quốc gia đang đặt cược vào các chương trình tiêm chủng như một tấm vé thoát khỏi đại dịch và là chìa khóa để duy trì tỷ lệ nhập viện cũng như tử vong ở mức thấp.

Những người Đức được tiêm vaccine đầy đủ trong 6 tháng qua đã có thể tập trung ăn uống trong các nhà hàng mà không cần trình giấy xét nghiệm nhanh âm tính. Họ cũng được phép gặp gỡ không giới hạn và đi lại mà không cần cách ly 14 ngày.

Italy yêu cầu đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng và những nơi đông người nhưng nhiều người vẫn đeo khẩu trang ở mọi nơi.

“Con gái tôi nói rằng tôi đã tiêm vaccine thì không cần đeo khẩu trang nhưng tôi đã quen sử dụng nó”, bà Marina Castro ở Rome cho hay.

Tại Anh, quốc gia tiêm vaccine cho gần như tất cả những người dễ tổn thương nhất đã áp dụng một chiến lược mạnh mẽ. Ngày 19/7, nước này dỡ bỏ gần như tất cả biện pháp hạn chế Covid-19, bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, người vừa dương tính với SARS-CoV-2 tuần trước, tháng trước đã khẳng định nước này cần “học cách sống chung” với Covid-19 mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy công chúng Anh muốn một chiến lược mở cửa dần dần hơn.

Các nhà chức trách Singapore, sau khi ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng cao nhất trong năm với 182 trường hợp ngày 20/7, cho biết số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Sự bùng phát này dường như sẽ trì hoãn nhưng sẽ không chấm dứt kế hoạch mở cửa từng giai đoạn của Singapore./.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img