Bánh mì xuất hiện trong tập truyện ngắn của Khái Hưng có nhan đề Hạnh, những “pain noir” (bánh mì đen) và “thé noir” (trà đen) được bà chủ trẻ đẹp có trình độ và nhân cách đem ra tiếp đãi ông giáo Hạnh rất chu đáo khiến Hạnh tưởng như đang lưu lạc trong giấc mộng vàng. Hồ Biểu Chánh cũng đưa bánh mì vào tác phẩm Vì nghĩa vì tình, ổ bánh mì to rẻ giải quyết cái đói cho các cậu bé Quì và Hồi…
Còn trong truyện ngắn nổi tiếng Đám người đi xem của Lỗ Tấn, những tiếng rao rười rượi có vẻ buồn ngủ “bánh mì nóng nào, mới vừa nướng đây…”; “a ha, bánh mì nào, bánh mì nóng nào” của cậu bé ụt ịt độ 11-12 tuổi cứ trở đi trở lại trong câu chuyện, tiếng rao làm liên tưởng đến tiếng rao của anh bán bánh mì ở Sài Gòn thời buổi kinh tế khó khăn năm 1933: “Bánh mì Annam! mới ra lò! bánh mì Annam của Annam làm! Xu nhỏ một ổ!” đăng trên báo Phụ nữ tân văn.
Nhân vật Jean Valjean trong tác phẩm Những người khốn khổ của văn hào Pháp Victor Hugo vì ăn cắp bánh mì hòng cứu đói cháu gái mà phải chịu khổ sai gần 20 năm, đây có lẽ là câu chuyện văn chương nổi tiếng hơn hết thảy.
Jean Valjean bị bắt trong tác phẩm Những người khốn khổ của văn hào Pháp Victor Hugo
|
Báo Saigon (số 129, 5.8.1932, tr.6) có tường thuật câu chuyện vì tranh giành hành khách nên người ta thuê hai tên du côn làm bậy, hai thanh niên được thuê mỗi người cầm một ổ bánh mì thật lớn ngồi trên chuyến xe đò đi từ Sài Gòn tới Bà Rịa, xe chạy gần đến Long Thành thì họ rút ở trong hai cái bánh mì hai con dao sáng ngời nhảy lại đâm người sớp-phơ (chauffeur, tài xế) và người chủ xe, gây nhiều vết thương rất nặng sau đó bỏ trốn.
Một câu chuyện khác liên quan đến bánh mì đăng trên báo Saigon (số 521, 25.2.1935, tr.8) như sau: “Muốn cho bánh mì được giòn và ngon, người thợ làm bánh phải rưới nước vào ổ bánh trước khi đưa vào lò nướng. Thay vì dùng bình bơm, nhiều thợ cứ ngậm nước trong miệng phun phèo phèo. Vào thứ sáu (22.2.1935), người thợ tên Phùng Văn Quê làm bánh mì cho một tiệm Khách trú hiệu Đông Thanh ở Place Eugène Cuniac đang ngậm nước phun vào bánh mì để đưa vào lò nướng, thình lình một người lính Tây bước vô thấy vậy bắt Quê và cho chở hai cần xé đựng 96 ổ bánh mì đã phun nước rồi, đem về bót”. Báo Saigon đưa tin trên với lời nhắn: “Chúng tôi ước mong sao sở Vệ sanh chú ý đến cách làm cẩu thả dơ dáy của các hiệu làm bánh mì ở đây”.
Sau cuộc đại suy thoái 1929 – 1933, nhiều cuộc đình công xảy ra ở Đông Dương xung quanh chuyện lương bổng, trong đó không thiếu những vụ việc liên quan đến thợ bánh mì. Báo Saigon (số 1039, 23.2.1937, tr.1) có tường thuật vụ việc quan Thanh tra lao động mời các ông chủ lò bánh mì lên để giải quyết về tiền lương và ngày nghỉ của những người thợ, các chủ lò bánh ký vào những giao kèo quy định anh em làm công (đi bỏ bánh mì) tại các lò bánh được nghỉ buổi chiều chủ nhật và ăn tiền huê hồng 6 đồng, chứ không lãnh lương tháng như trước nữa. Công luận báo (số 7482, 12.8.1937) đưa tin: “Các ông chủ lò bánh mì Pháp, Nam, và Khách [Hoa kiều] ở Saigon, Chợ Lớn và Gia Định, đến bữa thứ năm 12 Août [tháng 8] 1937, đúng 10 giờ sớm mai, xin đến dự phiên nhóm ở Phòng Thương mãi do ông Seurin chủ tọa để bàn xét về các vấn đề rất cần thiết cho các lò bánh mì” (tr.6).
Ra tòa vì tội làm bánh mì nhỏ
Báo Saigon (số 14849, 10.12.1941) đăng tin tòa án về việc bị phạt do “bán bánh mì nhỏ”. “Chuyện là có người tên Trần Văn Sách bị ra tòa về tội làm bánh mì nhỏ dưới 80gr, người tên Huỳnh Văn Hy bị vạ lây vì bán loại bánh ấy. “Trạng sư Lê Văn Hổ binh vực cho 2 bị cáo nhơn. Tòa tuyên án tha cho Huỳnh Văn Hy còn Trần Văn Sách được tòa châm chế phạt có 50 quan” (tr.1).
Báo Phụ nữ tân văn (số 113, 17.12.1931) lấy bánh mì làm ví dụ cho câu chuyện giáo dục về sự tiết kiệm có nhan đề Khoai lang với bánh mì. Câu chuyện có nội dung: Nam là cậu học trò con nhà giàu, từ nhỏ tới lớn quen dùng bánh mì với cà phê điểm tâm. Nam không bao giờ ăn khoai lang như phần đông anh em bạn học. Một bữa kia, thấy Nam ăn khoai lang, một người bạn mau miệng hỏi: “Sao bây giờ bạn lót lòng khoai lang?” Nam trả lời: “Nạn kinh tế khuẩn [quẫn] bách cũng nên thay bánh mì, cà phê mà ăn khoai lang, uống trà huế!”. Cũng trên báo Phụ nữ tân văn (số 203, 8.6.1933, tr.15) cho thấy rõ tác hại của cuộc đại suy thoái: “Chồng: Ổ bánh mì đây mình! Đem cho em và mình ăn. Vợ: Còn mình?. Chồng: Tôi ăn ngoài quán rồi!”. Kỳ thật là người chồng thất nghiệp chịu bụng đói, nhường ổ bánh mì cho vợ con ăn.
Báo Ngày mới (số 47, 2.10.1947) đăng tin Một chiếc bánh suýt giết chết người với nội dung: “Một người lính Anh đứng canh gác ở biên giới Đức và Hà Lan bị thương bởi một chiếc bánh mì người ta ném trúng. Xét ra thì đầu đuôi câu chuyện là: một bác nông dân Hà Lan có lòng lương xót người Đức thiếu bánh ăn, nhưng muốn đi qua biên giới thi không được phép, cho nên mỗi ngày bác cứ đứng bên này mà ném bánh sang bên kia. Chẳng may hôm ấy một chiếc bánh ném trúng vào người lính Anh, làm cho người lính bị thương”.
Bài viết Nhân vật buổi kinh tế trên báo Phụ nữ tân văn
Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam
|
Bánh mì còn là hình ảnh tượng trưng cho sự đùm bọc, nhân nghĩa của người Sài Gòn. Công luận báo (số 7487, 19.8.1937) viết: “Hơn 2 tuần nay, các báo ở Chợ Lớn bán chạy như bánh mì’” (tr.6). Bánh mì là một phần của các chương trình từ thiện xã hội từ xưa đến nay, báo Tia sáng (số 868, 27.4.1951) cho biết Hội Hợp thiện tặng 239 ổ bánh mì cho Hội Bảo trợ đồng bào hồi cư.
Đi quanh Sài Gòn-TP.HCM bây giờ, chúng ta thấy đây đó có những thùng bánh mì từ thiện dành cho người nghèo ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, thể hiện tấm lòng hào hiệp của người Sài Gòn.