Thế nhưng niềm vui của bóng đá Việt Nam không kéo dài lâu. Bởi không lâu sau đó, Viettel – nhà đương kim vô địch V-League, với 5 tuyển thủ quốc gia vừa cùng đội tuyển Việt Nam tham gia chiến dịch vòng loại World Cup (Tiến Dũng, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Thanh Bình, Hoàng Đức) lại để thua trong cả 2 trận đấu với BG Pathum United – nhà đương kim vô địch Thai League, tại AFC Champions League 2021 với cách biệt đều là 2 bàn (thua 0-2 ở lượt đi và 1-3 ở lượt về).
Thất bại này trước người Thái buộc chúng ta phải tự hỏi liệu bóng đá Việt Nam đã xứng đáng trở thành ‘anh cả’ của khu vực Đông Nam Á? Hay là thành tựu mà đội tuyển Việt Nam vừa có được chỉ là một giai đoạn nhất thời thăng hoa dưới triều đại của HLV Park Hang-seo?
Muốn thực sự trở thành ‘anh cả’ của khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam cần chứng tỏ mình là số 1 không chỉ ở cấp độ đội tuyển quốc gia mà còn cả ở cấp độ CLB, điều mà chúng ta đang chưa làm được, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Tuyển Việt Nam thắng Malaysia 2-1 tại vòng loại World Cup 2022
|
Thất bại của Viettel tại AFC Champions League năm nay cho thấy Viettel dù đã hết sức nỗ lực cố gắng và sở hữu một đội hình không đến nỗi nào nhưng rõ ràng là vẫn còn non kinh nghiệm và chưa đủ tầm để vươn ra biển lớn. Dẫu sao, cách tiếp cận nghiêm túc của đội bóng áo lính với sân chơi số 1 giành cho các CLB châu Á là đáng hoan nghênh và mở ra hướng đi mới cho các CLB Việt Nam.
Thực tế từ trước đến nay cho thấy: phần lớn các CLB Việt Nam thường tỏ ra khá thờ ơ với sân chơi châu lục. Họ mải mê với cuộc chiến ở V-League và không coi châu Á là nơi cần phải nỗ lực cố gắng mà thường chỉ tham gia cho ‘đủ tụ’. Vì thế cho nên dù thực lực không quá kém nhưng không ít đội bóng Việt Nam đã từng phải đón nhận những thất bại vỡ mặt ở AFC Champions League như Bình Định thua 0-8 trước Busan IPark, Nam Định thua 1-9 trước Krung Thai Bank hay Đà Nẵng thua 15 bàn trước Gamba Osaka. Sai lầm trong cách tiếp cận khiến các CLB Việt Nam rơi vào vòng luẩn quẩn và luôn tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Dù rất nỗ lực, CLB Viettel (phải) vẫn thua CLB BG Pathum cả 2 trận
|
Trong khi đó, nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á khác, họ đều tỏ ra nghiêm túc với sân chơi châu lục. Bóng đá xứ sở chùa Vàng khiến các cường quốc phải vị nể với 2 lần đứng trên đỉnh cao châu lục của CLB Thai Farmers Bank. Malaysia cũng tự hào khi CLB Johor Darul Ta’zim vô địch AFC Cup 2015. Những thành tựu này giúp Thái Lan, Malaysia luôn có suất vào thẳng vòng bảng AFC Champions League. Trong khi mãi tới mùa giải năm nay, bóng đá Việt Nam mới có lại suất này sau những nỗ lực gần đây của CLB Hà Nội ở AFC Cup.
Có thể khẳng định: bóng đá Việt Nam cần phải xây chắc nền móng ở cấp độ CLB. Bởi các CLB có mạnh thì đội tuyển quốc gia mới có thể mạnh. Và đó mới chính là con đường phát triển đúng đắn và dài hạn của bóng đá Việt Nam để trở thành ‘anh cả’ của khu vực Đông Nam Á cũng như từng bước tiến ra châu lục.
{C}
{C}