Trong công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH mới đây, Bộ VH-TT-DL cho rằng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch đang chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do tác động của dịch Covid-19, nhưng tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ. Trong đó, đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không thể hoạt động do không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người. Để tháo gỡ khó khăn cho nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ LĐ-TB-XH, đồng thời kiến nghị Thủ tướng, cho bổ sung hai đối tượng này vào dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Cụ thể, bộ này đề nghị hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ hạng 4 trong các đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vì đây là nhóm có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng, được hỗ trợ 3 tháng, chi trả một lần. Lý do được Bộ VH-TT-DL đưa ra, đây là nhóm đặc thù có năng khiếu, tài năng, lại đào tạo lâu năm, nhưng thời gian hoạt động ngắn và khó đi hết các bậc lương. Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, hiện nay có hơn 100 đơn vị sự nghiệp hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không gồm các đơn vị của lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4. Nếu hỗ trợ theo mức đề xuất ở trên thì tổng số tiền hỗ trợ nghệ sĩ là hơn 10,4 tỉ đồng. Ngoài ra, bộ này cũng đề nghị hỗ trợ gói tương đương cho hướng dẫn viên du lịch bị mất việc.
Không thể rải đều “miếng bánh” hỗ trợ
Đề xuất trên của Bộ VH-TT-DL đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, xã hội học. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cách đây không lâu đã có những nghệ sĩ từng tuyên bố “không cần công chúng nuôi”, giờ Bộ VH-TT-DL lại “xin” hỗ trợ nghệ sĩ thì không nên.
Đề xuất của Bộ VH-TT-DL không sai, vì nghệ sĩ cũng là người lao động và cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đơn vị đề xuất cần phải đưa ra lý lẽ thuyết phục, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH
|
“Nhìn vào thực tế thời gian qua, nghệ sĩ chưa phải là đối tượng khó khăn nhất, ít ra trước khi dịch bệnh xảy ra, họ còn có việc làm ổn định, có tích lũy; còn những lao động khác, nhất là lao động tự do hoặc công nhân các khu công nghiệp, họ phải chạy ăn từng bữa. Những đối tượng này mất thu nhập khi dịch bệnh đến, không có tích lũy, họ mới cần phải được hỗ trợ lúc này”, bà Hương bày tỏ.
Dưới góc độ xã hội học, PGS-TS Trần Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, nhìn nhận những ý kiến trái chiều trước đề xuất của Bộ VH-TT-DL hoàn toàn có lý, nhất là sau những vụ “lùm xùm” của các nghệ sĩ thời gian gần đây. “Đành rằng trong dịch Covid-19, nghệ sĩ bị ảnh hưởng trực tiếp do phải đóng cửa nhà hát, dừng các suất diễn, nhưng rõ ràng so với mặt bằng chung của người dân, nghệ sĩ vẫn có cuộc sống tốt hơn những đối tượng khác”, ông Bình nói.
“Nguồn lực của chúng ta có hạn, “miếng bánh” hỗ trợ không thể phân phát rải đều cho tất cả các đối tượng. Hãy dành sự ưu tiên cho những đối tượng yếu thế là lao động tự do, công nhân các khu công nghiệp… và những người ở tuyến đầu chống dịch”, ông Bình chia sẻ.
Các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn do không thể biểu diễn vì ảnh hưởng dịch Covid-19
ẢNH: NHÀ HÁT CUNG CẤP – TL
|
Đề xuất không sai, nhưng chưa hợp lý
Mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất trên, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng không thể đánh đồng tất cả nghệ sĩ, bởi vẫn có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Đề xuất của Bộ VH-TT-DL không sai, vì nghệ sĩ cũng là người lao động và cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đơn vị đề xuất cần phải đưa ra lý lẽ thuyết phục, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Trong giới nghệ sĩ cũng có đối tượng khác nhau, người có thu nhập cao như các sao hạng A, nhưng cũng có người là diễn viên phụ, diễn viên múa, họa sĩ…thu nhập rất thấp. Để thực thi được chính sách, cần có sự đồng thuận của ban soạn thảo, của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân”.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), nhận định nghệ sĩ cũng là người lao động, cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều bà Ngân băn khoăn là những lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh để được hỗ trợ phải kèm theo điều kiện họ bị chấm dứt hợp đồng hoặc tạm hoãn hợp đồng. “Việc Bộ VH-TT-DL phản ánh tâm tư nguyện vọng của các nghệ sĩ là chính đáng và cần được lắng nghe để chính sách không bỏ sót các đối tượng. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ đối tượng nào thì các bộ, ngành liên quan cần phải ngồi lại với nhau để đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng khác. Quan điểm của tôi vẫn là nên ưu tiên những đối tượng lao động đang khó khăn nhất là công nhân, lao động tự do…”, bà Ngân nói.
Ngày 23.6, PV Thanh Niên đã liên lạc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH. Tuy nhiên, vị này cho biết chưa nhận được văn bản của Bộ VH-TT-DL nên chưa thể đưa ra ý kiến về vấn đề này.