Bánh mì dạo, mớ sả, hành lá… vỉa hè
Sáng 22.7, chị Loan (Q.7) chạy ngang trước chợ Tân Mỹ thấy trên lề đường có người bán nên tấp vội vô mua trái thơm giá 25.000 đồng, 3 tép sả 5.000 đồng (khoảng 40.000 đồng/kg) và 2 củ gừng tươi giá 20.000 đồng (khoảng 100.000 đồng/kg) và đi luôn mà không cần trả giá hay chọn lựa. “Mua cho nhanh thứ đang cần vì giờ vô cửa hàng, siêu thị đều phải khai báo y tế, chờ… mà cũng sợ vì biết đâu người F0 đã từng vô đây. Giá mắc một tí cũng chấp nhận. Đợi cả tuần hay 10 ngày thì khi cần mua nhiều đồ mới đi siêu thị luôn”, chị Loan nói.
Tương tự trước đó một ngày, anh M.Dũng (Q.7) nghe cô hàng xóm thông báo có chỗ bán bánh mì, vậy là anh vội chạy ngay ra lò bánh vẫn hay mua trước đây gần chợ Tân Mỹ sau hơn chục ngày vẫn ở nhà và thèm ăn ổ bánh mì. Cửa hàng bánh đang mở cửa hé hé, bên trong có một thanh niên ngồi bấm điện thoại. Thấy khách dừng xe vội đứng lên hỏi nhỏ: Anh lấy mấy cái. Sau đó, anh thanh niên lấy vội 4 ổ bánh mì với giá 10.000 đồng đưa cho anh M.Dũng mà mắt dáo dác nhìn xung quanh rồi nhận tiền quay vô ngay. Giá bán vẫn như cũ. Cả người bán lẫn người mua đều hồi hộp vì sợ bị phát hiện. Không chỉ có lò bánh mì hé cửa bán cho khách vài ba ổ mà trên vỉa hè gần đó, đã thấy thấp thoáng có một số người bày bán vài trái thơm, mớ hành, mớ sả hay túi ớt, chanh, quả bí… hay thậm chí anh bán giò chả, một vài chiếc xe đạp treo lủng lẳng một vài bịch dưa leo, bắp cải thảo đậu loanh quanh gần đó chờ người mua.
Không riêng gì ở quanh chợ Tân Mỹ mà tại nhiều con hẻm, chợ tạm trước đây cũng đã xuất hiện nhiều người bán vội vài mớ rau, túm hành ớt, gừng tỏi hoặc trên những chiếc xe đạp vội quanh xóm. Người mua cũng khẽ mở cửa nhà ra khi nghe tiếng rao và lấy vội túi rau là quay vô ngay. Tại một con hẻm trên đường Nguyễn Cửu Đàm, P.Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), gia đình chị Minh Quân hai ngày qua cũng mua được vài ổ bánh mì nóng hổi khi có người bán dạo đạp xe qua. Không chỉ thế, chị gọi đùa hiện tượng rủ nhau mua chung hàng về chia chia hay một số người ở nơi khác nhờ đưa hàng từ dưới quê lên và bán qua điện thoại, cho người ship hàng tới tận nhà là thành “chợ đen”…
Không dám ra siêu thị, cửa hàng vì sợ dính F0
Theo giải thích của chị Minh Quân, gia đình chị và nhiều nhà trong khu phố một phần do phải tuân thủ ở nhà giãn cách để phòng chống dịch, một phần vì trong tuần đầu tiên khi thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 nhưng mua hàng online vẫn không được giao nên phải tìm nhiều cách để mua thực phẩm. “Nhà tôi đặt hẳn 5 đơn hàng của siêu thị mà gần 15 ngày vẫn chưa thấy giao đơn nào. Vì vậy phải í ới nhau trong xóm để tìm chỗ quen mua qua mạng cho nhanh, có đồ ăn. Rồi ai cũng vậy riết thành ra như cái chợ chồm hổm với đủ thứ rau củ quả, dù không quá đông. Những ngày trước còn nghe đi siêu thị, cửa hàng nào cũng xếp hàng đông nghẹt nên càng không dám đi. Mà không phải ai cũng mua mỗi thứ cả kí lô, đôi khi chỉ cần vài cọng hành ngò, một củ gừng thôi mà vô siêu thị, cửa hàng không bán lẻ như vậy. Còn mua bán kiểu trong hẻm này là thành bán chui nè, cũng sợ bị phát hiện, bị phạt mà ai cũng làm liều vì hơn là đi ra siêu thị”, chị Minh Quân chia sẻ thêm.
Tương tự, gia đình chị Hoa ở trên đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú) cũng cho biết, bình thường chị đi chợ Nguyễn Sơn. Nhưng cách nay hơn 2 tuần, chị có đi chợ này mà bị yêu cầu đi xét nghiệm vì cả khu chợ thông báo có ca nhiễm bệnh. Sau khi chợ này bị ngừng hoạt động, chỉ chưa được 1 tuần sau, chị lại bị yêu cầu đi xét nghiệm lần 2 do mới ghé vô một cửa hàng thực phẩm ở gần nhà. Vì vậy giờ chị Hoa đã “quá ngán” khi đi siêu thị hay cửa hàng vì biết đâu lại có F0, F1 nữa nên chỉ ngồi nhà, nhờ người mua dùm hoặc trong xóm ai quen bán gì mua đó…
Một số cá nhân sau hơn gần 2 tuần bị ngưng bán đã lén mở cửa lại
|
Q.7 hay Tân Phú là một trong nhiều quận, huyện hiện nay vẫn chưa có chợ truyền thống nào được mở cửa hoạt động trở lại. Trong khi nhu cầu mưu sinh của các tiểu thương và nhu cầu hàng hóa của người dân rất lớn nên xuất hiện tình trạng “chợ đen”, chợ tạm, vỉa hè… với nhiều cách khác nhau. Dù chợ tạm cao giá hơn siêu thị, mua bán sợ bị phạt nhưng nhiều người cũng nhắm mắt làm liều. Thực ra, ngành công thương cũng biết việc mở cửa lại chợ truyền thống càng nhanh sẽ càng giúp giải quyết được vấn đề lưu thông hàng hóa cho các hộ nông dân, cứu tiểu thương và đưa giá sản phẩm thiết yếu hạ nhiệt nhưng đến nay số lượng chợ được hoạt động vẫn rất ít.
Chợ được tổ chức trên sân bóng đá xã Hòa Phú, Củ Chi
|
Anh M.Dũng nêu vấn đề: Tôi nghe ở Củ Chi có tổ chức chợ trong sân bóng đá xã Hòa Phú theo hướng 1 chiều, giãn cách giữa các gian hàng 5 mét. Tương tự, xã Bình Mỹ có 10 hộ cũng tổ chức kinh doanh hàng thiết yếu, tổ chức theo lối ra vào hướng 1 chiều là được vì đảm bảo khoảng cách. Các chợ trong thành phố nếu chỉ cho mở lại quầy hàng tươi sống thì cũng không nhiều, có thể cho tiểu thương bán xen kẽ, phát phiếu đi chợ theo ngày cho người dân thì vẫn đảm bảo được phòng chống dịch bệnh. Sở Công thương cũng đã đưa ra quan điểm chung vẫn là tổ chức cho tiểu thương kinh doanh luân phiên, phát phiếu vào chợ… Tại sao nhiều quận, huyện vẫn chưa làm được?…