Chiều 23.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sơ kết 15 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn tăng cao.
Tại đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1.8 (trong vòng 14 ngày, kể từ ngày 19.7 giống như 18 tỉnh thành khu vực phía nam), cùng với các biện pháp mạnh hơn.
Mỗi ngày gần 2.800 ca nhiễm
Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức thông tin từ ngày 9.7 đến 6 giờ ngày 23.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh. Các ca nhiễm hiện được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện (BV), cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
TP.HCM đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính, trong đó có 562 bệnh nhân (BN) nặng đang thở máy và 11 BN can thiệp ECMO, có hơn 400 trường hợp tử vong (cộng dồn từ đầu năm 2021), 2.046 BN xuất viện trong ngày 22.7.
Lực lượng phòng hóa của Quân khu 7 (áo trắng) phối hợp với Ban chỉ huy quân sự TP.Thủ Đức phun khử khuẩn trên một số tuyến đường và khu dân cư ngày 23.7
|
Nhìn lại 15 ngày qua, ông Đức cho biết bên cạnh biện pháp kiểm soát dịch, TP.HCM kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND TP.HCM. Công tác chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa, BV dã chiến thu dung điều trị từng bước được cải thiện. TP đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá…
Ông Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận, số ca nhiễm vẫn còn tăng cao đa số trong các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu vực này còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn. Đối với 2 phương án sản xuất an toàn gồm: “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ) và “1 cung đường – 2 địa điểm” còn gặp một số vướng mắc phát sinh. Một số lao động ban đầu đồng thuận, nhưng sau đó lại không muốn tham gia; có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp (DN) không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hằng ngày, điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Siết chặt nhiều hoạt động
Ngoài việc thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch.
Cụ thể, các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách sẽ phải tạm dừng. Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp.
TP.HCM huy động xe cứu thương cả công lập và tư nhân tham gia công tác chuyển bệnh nhân Covid-19 đến các cơ sở điều trị
|
TP.HCM cũng siết chặt hoạt động của DN, chỉ những DN dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các BV, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động. Các DN sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn. Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan.
Để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho hơn 10 triệu dân, TP.HCM tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ. Trước mắt, các chợ chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn – lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.
Nâng cao năng lực điều trị, giảm tử vong
Liên quan các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, TP.HCM cũng kế thừa và đưa ra nhiều biện pháp mới. Trong đó, tiếp tục tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm để mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ.
Bình tĩnh đánh giá
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, chiều 23.7, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ đồng tình với các biện pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 mà TP.HCM đã đưa ra với mục tiêu cao nhất là sớm kiểm soát dịch bệnh. Phó thủ tướng lưu ý, TP.HCM cần xác định rõ mục tiêu trong những ngày tới, nhất là trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh bên ngoài cộng đồng vẫn khó lường. Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM nên cần bình tĩnh đánh giá, thực hiện truy vết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những khu vực có nguy cơ cao.
|
Hiện tổng số nhân sự lấy mẫu của TP là 4.456 người, tương ứng 2.228 đội với tổng công suất có thể đạt 334.000 – 445.000 mẫu/ngày. Kế hoạch tiêm vắc xin được triển khai trên quy mô toàn TP với thời gian trong 2 – 3 tuần sẽ tiêm hết 930.000 liều với mục tiêu an toàn đặt lên hàng đầu.
Trước các hạn chế trong công tác giám sát các khu cách ly, khu phong tỏa, ông Đức cho hay TP.HCM sẽ siết chặt công tác quản lý với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo. Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình. Bên cạnh đó, định kỳ đánh giá tình hình khu phong tỏa để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần, qua đó giảm áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của đơn vị quản lý.
TP.HCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 5.000 nhân viên y tế
Ngày 22.7, UBND TP.HCM gửi văn bản khẩn đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ, điều động lực lượng y tế từ các bệnh viện T.Ư đóng trên địa bàn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, số lượng nhân viên y tế cần điều động gồm: 1.000 bác sĩ (100 bác sĩ chuyên về hồi sức và 900 bác sĩ khám, điều trị), 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên (trong đó cần 300 điều dưỡng hồi sức và 100 kỹ thuật viên).
Nhằm tăng cường nhân lực cho công tác phòng chống dịch, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thành lập Tổ điều phối nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn ra trên địa bàn TP (gọi tắt là Tổ điều phối nguồn nhân lực). Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ trưởng Tổ điều phối nguồn nhân lực, vừa đề nghị lãnh đạo các cơ quan khối Đảng (trừ quận, huyện), đoàn thể thuộc và trực thuộc Đảng bộ TP.HCM, các sở ngành lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc để tạo nguồn khi cần thiết hỗ trợ các địa phương tham gia, phục vụ phòng, chống dịch.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức được lập danh sách không quá 30% tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan, đơn vị.
Sỹ Đông
|
TP.HCM sẽ hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 và F0 không có triệu chứng hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát phù hợp.
Về công tác điều trị, hạn chế ca tử vong được TP.HCM đặc biệt quan tâm, trong đó tập trung bằng nhiều giải pháp nâng cao năng lực điều trị, trang thiết bị, nhân lực đảm bảo luôn chủ động trong mọi tình huống. Đội ngũ y bác sĩ về hưu, lương y, hệ thống y tế tư nhân sẽ được huy động cùng tham gia phòng chống dịch. Để giảm thiểu tử vong, TP.HCM xác định cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115; phối hợp Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM…
Về hoạt động của các DN, yêu cầu các DN giảm quy mô sản xuất hợp lý, đảm bảo khoảng cách an toàn trong nhà máy; hướng dẫn cụ thể cho DN đang gặp khó khăn trong việc áp dụng mô hình vừa cách ly, vừa sản xuất.
Định hướng 4 nhóm giải pháp trọng tâm
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị 12/2021 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chỉ thị này được ban hành sau điện của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 một ngày.
Chỉ thị này hướng đến mục tiêu phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao bằng 4 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly, phong tỏa.
Thứ ba, thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16; trong đó tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ và bên trong nội thành, chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã QR nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào TP hoặc lưu thông qua TP; xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân TP về quê theo kế hoạch.
Thứ tư là tăng cường công tác truyền thông chủ động, hiệu quả, an dân: thông tin chính xác, kịp thời, tích cực về các hoạt động phòng, chống dịch, hạn chế tối đa đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Sỹ Đông
|