Theo đại biểu Quốc hội, cần có 2 kịch bản phát triển, gồm kịch bản khi an toàn và kịch bản sống chung với Covid-19 trong kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Theo chương trình làm việc mới được điều chỉnh, hôm nay (25/7) Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước; trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Nhiều đại biểu nhận xét, giai đoạn 2016-2019 đạt kết quả rất ấn tượng, nếu không chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 thì đã có thể hoàn thành thắng lợi toàn diện kế hoạch 5 năm. Mặc dù vậy, kết quả đạt được của riêng năm 2020 vẫn tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Ở các kì trước, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đã được phác thảo những nét cơ bản. Những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng qua rất đáng ghi nhận, đó là tăng trưởng GDP 6 đạt 5,64%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an ninh thị trường tiền tệ, tín dụng được giữ vững. Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều bày tỏ đánh giá cao kết quả kinh tế – xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện “mục tiêu kép”, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, như ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của năm 2021 và kế hoạch 2021 – 2025 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là kinh tế – xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 kéo dài…
Những hạn chế của nền kinh tế ở giai đoạn 2016-2019 vẫn còn tồn tại như nội lực của nền kinh tế chưa cao, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn hạn chế, doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được lợi thế, chưa liên kết sâu được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về dự kiến phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, nhiều đại biểu nhận định tác động của dịch là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội nước ta, sẽ phải mất nhiều thời gian để khắc phục. Cụ thể hơn, một số vị đại biểu góp ý cần có 2 kịch bản phát triển, gồm kịch bản khi an toàn và kịch bản sống chung với dịch Covid-19, chuẩn bị phương án (tự cung, tự cấp, tự sản xuất, cải tiến hệ thống phân phối)… cho tình huống xấu, đứt gãy chuỗi cung ứng, hoặc cùng lúc xảy ra thiên tai, lũ lụt.
Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nêu rõ: Thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Phấn đấu tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài…
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, trong thời gian tới cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn có thể tiếp tục kéo dài. Trong đó, cần đánh giá tác động trong trường hợp đại dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân để có giải pháp phù hợp.
Ở góc độ khác, nhóm phân tích Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) đưa ra ba khuyến nghị để phát triển kinh tế trong thời gian tới. Thứ nhất, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế, cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.
Thứ hai, Chính phủ và các Bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.
Thứ ba, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.