Năm 2010, tại Đại hội toàn thể hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, nhà văn Lê Văn Nghĩa khi đó mới 57 tuổi đã phải chống gậy đi dự vì ông vừa trải qua cơn phẫu thuật do ung thư. Căn bệnh quái ác hành hạ khiến một nhà văn, nhà báo trào phúng như ông vốn đã ít cười lại càng thêm hiu quạnh.
Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Chợ Lớn. Thời học sinh, như nhiều bạn bè đồng trang lứa, ông tham gia phong trào học sinh sinh viên đô thị, bị chính quyền Sài Gòn cầm tù và đày ra Côn Đảo. Những tưởng với lý lịch như thế, ông sẽ trở thành “ông nọ bà kia” trong chính quyền mới nhưng Lê Văn Nghĩa cả đời chỉ gắn với nghề cầm bút một cách say mê.
Nghề báo của Lê Văn Nghĩa gắn với nhiều bút danh cho thể loại trào phúng. Bạn đọc hẳn nhớ đến bút danh Hai Cù Nèo trên Báo Tuổi Trẻ Cười – tờ báo trào phúng đầu tiên sau năm 1975. Đây là một trong nhiều bút danh của Lê Văn Nghĩa. Nhà báo Nam Đồng (nguyên Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM) cho biết: “Bút danh này chỉ dành cho chủ biên Tuổi Trẻ Cười. Đầu tiên là ông Bảy Trấn, sau đến tôi khi phụ trách báo này và anh Lê Văn Nghĩa là người đứng tên Hai Cù Nèo lâu nhất”.
Mấy năm trước, phim Johnny English có danh hài Mr Bean đóng vai chính được nhập về chiếu rạp Việt Nam. Tên phim tiếng Anh là vậy nhưng chắc để bán được nhiều vé hơn, người ta “dịch ra” tiếng Việt thành Điệp viên Không Không Thấy – đây là một trong những bút danh dùng thường xuyên trên báo của Lê Văn Nghĩa. Nghĩ là nhà nhập khẩu phim có xin phép và trả tác quyền, bạn bè chúc mừng nhưng Lê Văn Nghĩa nói: “Có nghe họ nói gì đâu”. Rồi ông xem như không có việc gì xảy ra. Cả đời viết trào phúng với rất nhiều bút danh, người ta “mượn dùng” một hay vài bút danh “có nhằm nhò gì”.
Những bài viết trào phúng của Lê Văn Nghĩa được ông chọn lọc in sách lai rai gọi là “mua vui cũng được một vài trống canh” và cũng để sưu tập lại những gì đã viết trên báo. Nhắc đến thú vui sưu tập, Lê Văn Nghĩa là một nhà sưu tập có cỡ, kín tiếng của Sài Gòn. Nhà ông gần như có đủ các loại máy hát và băng đĩa xưa mà bất kỳ dân chơi nào nhìn thấy cũng phát thèm. Ông còn có thú vui sưu tập sách, vừa làm tư liệu tham khảo vừa để giữ gìn vốn quý, trong đó có nhiều cuốn đến nay chưa được tái bản. Sách Lê Văn Nghĩa sưu tập độc đáo hơn nữa là có bút tích của tác giả hoặc những người nổi tiếng, quyền lực một thời.
Vì mê sưu tập sách như thế nên ông cũng như nhiều người mong muốn tại Sài Gòn có riêng một con đường hay một khu dành cho sách. Lê Văn Nghĩa đã viết báo về ý tưởng này và sau đó Đường sách TP.HCM ra đời, trở thành điểm sáng văn hóa của Sài Gòn – TP.HCM, không thể không nhắc tới đóng góp ý tưởng của Lê Văn Nghĩa qua bài báo “có tác động” của mình.
Sau khi về hưu, Lê Văn Nghĩa gây ngạc nhiên cho nhiều đồng nghiệp cầm bút với loạt tác phẩm về Sài Gòn trong ký ức của ông. NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành và tái bản nhiều lần các cuốn: Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ; Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 (Những chuyện bên lề)…
Có thể nói, Lê Văn Nghĩa là “ma xó” của Sài Gòn vì những cái đã mất hay còn trên từng góc phố ông đều là chứng nhân, trừ mấy năm ở ngoài Côn Đảo. Mỗi dịp lễ tết Sài Gòn trống vắng vì đa phần về quê, Lê Văn Nghĩa chép miệng than với bạn bè: “Tụi mày tết về quê chứ tao không biết về đâu”. Đúng thật, lễ tết bạn bè kéo nhau rời thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam này, còn lại Lê Văn Nghĩa chạy chiếc xe Cub cà tàng vô Chợ Lớn tìm lại tuổi thơ mình.
Sách của Lê Văn Nghĩa viết về Sài Gòn thành công, phải chăng vì anh đã gắn bó cuộc đời và tâm hồn mình với vùng đất này? Khi in xong Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, NXB Trẻ tổ chức cho Lê Văn Nghĩa tặng sách cho học trò ở trường xưa (nay là Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.6), ông nhà văn mái đầu bạc trắng, chuyên viết báo trào phúng cho thiên hạ cười đã đứng khóc ngon lành trước sự ngạc nhiên của “tụi con nít” hôm nay.
Những năm cuối đời sống với bệnh nan y, Lê Văn Nghĩa vẫn luôn lạc quan đón nhận những gì sẽ đến. Ông tập trung viết và viết như chạy đua với thời gian. NXB Tổng hợp TP.HCM đang in 2 cuốn sách của ông nhưng không kịp gửi đến tay tác giả. Có thể nói, về lao động của nghề cầm bút, Lê Văn Nghĩa đã viết đến ngày cuối của cuộc đời.