Người dân đang chờ đợi những ngày tháng khó khăn sớm đi qua
Ngày 25.7, Quốc hội (QH) dành một ngày để thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện tại; kiến nghị trong thời gian tới cần đặc biệt ưu tiên và tập trung hơn cho công tác phòng chống dịch; đồng thời, huy động mọi nguồn lực để phòng ngừa và khống chế dịch lây lan, đảm bảo hiệu quả nhất.
Dẫn chứng thực tế một số địa phương áp dụng những biện pháp chống dịch thái quá, gây khó khăn cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. “Nhiều doanh nghiệp phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng, thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, ĐB Thủy nói và cho rằng đây là một bài học cần được tổng kết cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch trong thời gian tới.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị trong triển khai gói hỗ trợ an sinh, Chính phủ cần giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp việc rà soát chính xác, nhanh chóng các đối tượng thụ hưởng, tránh việc bỏ sót, trùng lặp hoặc tiêu cực có thể xảy ra.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thì lo lắng về vấn đề vắc xin ngừa Covid-19 khi dẫn chứng số lượng vắc xin mà Việt Nam thực nhận và số người được tiêm vắc xin còn rất hạn chế. ĐB An cho biết chúng ta mới có khoảng 10 triệu liều vắc xin về tới Việt Nam trên tổng mục tiêu là 150 triệu liều. Chúng ta mới có khoảng 4,5 triệu người được tiêm, trong đó số được tiêm đủ 2 mũi mới chỉ khoảng 1% dân số, còn rất xa mục tiêu miễn dịch cộng đồng. “Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đưa vắc xin về nước, trong đó có việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, chung tay cùng Chính phủ để đưa vắc xin về Việt Nam”, ĐB An kiến nghị.
Đa số các ĐB đồng tình với đề xuất bổ sung nội dung phòng chống dịch Covid-19 vào nghị quyết chung của kỳ họp, để trao Chính phủ quyền chủ động được thực hiện các giải pháp đặc biệt, chưa có trong luật, nhằm tăng cường chống dịch.
Trong đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị cần có những xác định cụ thể như phạm vi điều chỉnh, thời hạn của các biện pháp tăng cường chống dịch mà Chính phủ đề nghị; đặc biệt là cần xác định cụ thể trách nhiệm để tránh việc lợi dụng chính sách trục lợi, gây thất thoát cho nhà nước. “Mọi kế hoạch dù có hay, hoàn hảo đến đâu thì điều quan trọng vẫn phải là khâu tổ chức thực hiện và yếu tố con người. Khi chúng ta ngồi đây để thảo luận về định hướng, kế hoạch thì ngoài kia dịch bệnh vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, người dân vẫn đang chờ đợi vắc xin sớm đến với toàn dân, chờ đợi để những ngày tháng khó khăn sẽ đi qua”, ĐB Mai nói.
Không để đứt gãy sản xuất
Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, nhiều ĐB cho rằng cần có biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất – mấu chốt để duy trì nền kinh tế trong đại dịch.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng nửa năm qua là giai đoạn gian nan bậc nhất của nền kinh tế trong vài thập kỷ qua, đặc biệt khi bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm đang có sự phân hóa rất lớn giữa các lĩnh vực. “Dịch vụ được xem là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế, nhưng các biện pháp giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực này thực sự khó khăn. Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, hàng không, vận tải đang chết dần, chết mòn, không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như không có biện pháp hỗ trợ thiết thực, mạnh mẽ”, ông Lộc nói và cho rằng thời gian qua, dù đã có một số biện pháp nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Hôm nay, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 – 2026
Theo chương trình, hôm nay (26.7), QH sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao. Vào buổi sáng, QH sẽ bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Người được đề cử để QH bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 là ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2021. Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức sau khi kết quả bầu được công bố.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới sẽ trình QH nhân sự đề cử để bầu Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 – 2026. Nhân sự dự kiến vẫn là Thủ tướng Phạm Minh Chính – người vừa được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 – 2021 hồi tháng 4 vừa qua. Thủ tướng cũng sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trong chiều 26.7.
Tiếp đó, QH sẽ bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao. Chánh án TAND tối cao sẽ tuyên thệ nhậm chức theo quy định sau khi có kết quả bầu.
|
Dù vậy, theo ĐB Lộc, các chính sách của Chính phủ như chiến lược vắc xin đang là biện pháp căn cơ cho lộ trình mở cửa lại nền kinh tế. “Phải áp dụng hộ chiếu vắc xin càng sớm càng tốt, không chỉ cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà cho toàn dân Việt Nam, đây là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay lại phục hồi”, ông Lộc nói.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thì nêu thực tế đáng lưu ý khi bình quân 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trung bình mỗi tháng 11.700 doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Đáng chú ý, đã có 622 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỉ đồng rút khỏi thị trường, cho thấy năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu ớt.
Đa số các ĐB đều đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp, đồng thời gia hạn trả nợ gốc vay và cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh; có các giải pháp đồng bộ khác như miễn giảm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…
Quốc hội sẽ giám sát tối cao về chống lãng phí
Chiều 25.7, với 475/478 ĐB tham gia bỏ phiếu tán thành, QH đã thông qua chương trình giám sát của QH năm 2022. Theo đó, tại kỳ họp thứ 3 (5.2022), QH sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch được ban hành (2017 – PV). Tại kỳ họp thứ 4 (10.2022), QH sẽ giám sát tối cao về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021.
Hai chuyên đề giám sát được đưa ra lấy ý kiến trước đó, gồm việc thực hiện giải quyết khiếu nại tố cáo từ 2016 – 2021; và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 – 2021, sẽ được giao cho Ủy ban Thường vụ QH tổ chức giám sát.
|
Trao đổi về các kiến nghị của ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết làn sóng dịch thứ 4 khiến nhiều địa phương dù có kinh nghiệm nhưng vẫn lúng túng, dẫn tới thiếu hàng hóa cục bộ do đứt gãy chuỗi cung ứng lưu chuyển, hệ thống phân phối cũng còn bất cập. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo rút kinh nghiệm, hiện tình hình cơ bản được cải thiện, không còn hiện tượng thừa thiếu hàng, hay người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
“Thời gian thực hiện Chỉ thị 16 sẽ còn kéo dài, gây khó khăn lớn cho chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối. Các bộ ngành cần phối hợp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, nhưng không nên đặt ra các điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định”, ông Diên kiến nghị.