Theo Tổng cục Hải quan, nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2021 đã vượt mốc 7 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường ASEAN chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lớn hơn cả thị trường Hàn Quốc (chiếm 6,5%) và Nhật Bản (chiếm 6,4%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm từ thị trường ASEAN đạt 21,2 tỷ USD, tăng tới 50,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 13,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Đáng chú ý, 2 thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây đều thuộc khu vực Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia.
Với tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu cao hơn nhiều so với xuất khẩu nên con số nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường ASEAN đã lên đến 7,3 tỷ USD so với mức 3,2 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2020.
Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipinnes, Campuchia… với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hàng tỷ USD/thị trường. Trong đó, Thái Lan dẫn đầu với kim ngạch song phương đạt 9,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 3 tỷ USD.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là ô tô nguyên chiếc với 40.485 xe, kim ngạch 758 triệu USD. Trong khi nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt 403 triệu USD.
Trong các thị trường lớn ở ASEAN, Việt Nam nhập siêu với hầu hết các quốc gia, riêng Philipinnes nước ta xuất siêu hơn 1 tỷ USD. Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang quốc gia này là gạo với sản lượng gần 1,1 triệu tấn, kim ngạch gần 580 triệu USD.
Campuchia cũng có quy mô kim ngạch ấn tượng khi đạt hơn 5 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 2,87 tỷ USD và xuất khẩu là 2,37 tỷ USD.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất, tăng trưởng mạnh nhất và khiến Việt Nam thâm hụt thương mại với nước láng giềng này là hạt điều với lượng nhập khẩu hơn 1 triệu tấn, kim ngạch gần 1,7 tỷ USD, tăng 422% về lượng và tăng 587,5% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020.
Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực. Từ đó, thương mại hai chiều Việt Nam – ASEAN tăng trưởng nhảy vọt. ASEAN đã trở thành khu vực xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, sau các thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.
Theo Bộ Công thương, ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý, mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Khu vực này có tổng dân số 636 triệu người, GDP đạt 2.760 tỷ USD. Do vậy, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều hàng hóa trong nước còn rất lớn.
Những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, thủy sản và khoáng sản. Những mặt hàng này hầu hết được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Cần phải nói thêm, trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất chưa tự chủ được nguyên liệu đầu vào, thị trường ASEAN đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm được nguồn cung nguyên liệu sản xuất dồi dào, giá cả hợp lý, đồng thời tiếp cận được nguồn vốn và các công nghệ kỹ thuật cao. Điều này giúp doanh nghiệp hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.