Phát biểu kết luận tại hội nghị mở rộng lần thứ 7 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tối 25.7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận việc thực hiện Chỉ thị 16 đối với một trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước như TP.HCM là quyết định vô cùng khó khăn bởi tác động lớn đến nhiều mặt, không chỉ TP mà còn ảnh hưởng đến vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Thời gian qua, TP.HCM luôn nhận được quan tâm, chỉ đạo sát sao, hỗ trợ tận tình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, trực tiếp là Thường trực Chính phủ và Thủ tướng và các Bộ ngành.
“16 ngày qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng còn nhiều việc chưa làm được, có nhiều người chưa được cứu chữa. Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp. Chúng tôi xin nhân dân lượng thứ”, ông Nên bày tỏ.
Người dân có hoàn cảnh khó khăn ở P.13, Q.6, TP.HCM nhận gạo và mì gói trong những ngày giãn cách xã hội
|
Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá thực hiện giãn cách xã hội triệt để là cơ hội để phát hiện, xử lý người đã nhiễm; nếu trong 2 tuần không phát sinh thêm thì thành phố có thể kiểm soát được, tập trung chữa trị người nhiễm bệnh.
Người đứng đầu thành phố đề nghị mọi người dân nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, người dân không ra ngoài đường khi không cần thiết, không tiếp xúc với người ngoài gia đình, tuân thủ quy tắc 5K.
Những ngày giãn cách, người dân chịu nhiều thiếu thốn nên thành phố sẽ tập trung cao nhất để hỗ trợ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu. “Ở đâu còn để người dân thiếu ăn thiếu mặc thì đó là lỗi của bí thư, chủ tịch phường, xã đó”, ông Nên nói.
Triển khai 7 biện pháp
Về những việc trọng tâm trong 15 ngày tới, TP.HCM sẽ triển khai 7 biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện để cán bộ và người dân thực hiện các biện pháp siết chặt theo Chỉ thị 16, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ nhất, là người dân ai ở nhà đó, chính quyền chăm lo lương thực, thực phẩm, phải tổ chức chặt chẽ trên từng nẻo đường, không để ùn tắc giao thông, xử lý linh hoạt, mềm dẻo.
Thứ 2, triển khai các biện pháp phù hợp để phát hiện F0, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ tận tình, chăm sóc chu đáo người bệnh để hạn chế tử vong. Ông Nên đề nghị ngành y tế hoàn thiện cơ chế vận hành thông suốt từ khi phát bệnh đến chuyển viện, nằm viện của người bệnh.
Thứ 3, phối hợp chặt chẽ các hoạt động bảo trợ xã hội, kịp thời hỗ trợ người khó khăn, tuyệt đối không để ai thiếu ăn thiếu mặc. Hiện có nhiều nguồn hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men đông, tây y từ nhiều nơi gửi về nên cần phối hợp nhuần nhuyễn, phân phối kịp thời, hiệu quả.
Tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM
|
Thứ 4, tổ chức tiếp nhận, mua và tiêm vắc xin Covid-19 nhanh nhất có thể đến các đối tượng. Hiện vắc xin không có nhiều nhưng kế hoạch cần dự trù để khi vắc xin có nhiều thì tổ chức tiêm sớm nhất đến các đối tượng đang chờ.
Thứ 5 là củng cố hoạt động truyền thông, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời để mọi tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách; không chủ quan, xem thường nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí cung cấp thông tin chính xác, đồng bộ để tránh nhiễu thông tin.
Thứ 6, các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với bộ ngành chuẩn bị các phương án, kịch bản ca bệnh gia tăng để không bị động.
Cuối cùng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu chuẩn bị chiến lược lâu dài bảo vệ sinh kế người dân, sức sống doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế, xã hội ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.