Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 25.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước thêm 7.531 ca Covid-19, TP.HCM có 4.555 bệnh nhân
Bản tin tối 25.7 của Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 3.552 ca mắc Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 trong ngày lên 7.531 ca. Cả nước cũng có thêm 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25.7.
Thông tin về 7.531 ca mắc mới trong ngày như sau:
– 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
– 7.525 ca ghi nhận trong nước; trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.555), Bình Dương (1.249), Tây Ninh (313), Đồng Nai (253), Tiền Giang (218), Khánh Hoà (172), Bà Rịa – Vũng Tàu (126), Phú Yên (109), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78); Cần Thơ (56), Vĩnh Long (50), Bến Tre (45), Trà Vinh (27), Bình Phước (26), Kiên Giang (25), Đà Nẵng (16), Hà Nội (15), Đắk Lắk (14), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (7), Bắc Ninh (6), Bình Định (6), Gia Lai (6), Đắk Nông (4), Nghệ An (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), An Giang (2), Thừa Thiên Huế (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1)
– Tính đến chiều ngày 25.7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước.
– Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 94.717 ca.
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 19.342 ca.
– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca.
– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
TP.HCM phát hiện thêm 3 chuỗi lây nhiễm mới
Cập nhật về tình hình Covid-19 tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong ngày 24.7.2021, TP.HCM có thêm 1.890 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 12.371 ca. Hiện TP.HCM đang điều trị cho hơn 38.000 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR, xét nghiệm nhanh dương tính) trong đó có 624 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Về các ca tử vong liên quan đến Covid-19, TP.HCM đã có 561 trường hợp.
Thông tin về tình hình các chuỗi lây nhiễm tại TP.HCM, HCDC cho biết 34 chuỗi lây nhiễm Covid-19 đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận thêm 3 chuỗi lây nhiễm mới. TP.HCM đang thực hiện khoanh vùng, điều tra truy vết, xử lý đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân.
Về kết quả xét nghiệm phục vụ công tác điều tra, truy vết, mở rộng xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ ngày 26.5.2021 đến đến ngày 24.7.2021, qua rà soát số liệu, lọc trùng, TP.HCM đã lấy hơn 2,5 triệu mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…), trong đó hơn 2 triệu mẫu đã có kết quả.
Về tình hình cách ly, tổng số người hiện đang thực hiện cách ly trên địa bàn TP.HCM là 47.440 người trong đó: 9.512 người đang cách ly tập trung, 38.589 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
TP.HCM thắt chặt di chuyển trong thành phố
Sáng 25.7.2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, tính từ ngày 31.5 đến nay, TP.HCM đã qua 55 ngày giãn cách theo các cấp độ khác nhau, Chỉ thị 15 (từ 31.5), Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (từ 19.6) và Chỉ thị 16 (từ 9.7). Hiện TP.HCM tiếp tục Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt, nâng cao hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại và tiếp tục phức tạp.
Ông Phan Văn Mãi đánh giá bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủng vi rút Delta chuyển biến nhanh và khó lường, còn có nguyên nhân chủ quan là nhiều địa bàn, địa phương chưa thực hiện nghiêm, chưa thực hiện tốt các biện pháp chống dịch. Sự chủ quan này đến từ cả 2 phía gồm lực lượng chức năng và người dân.
TP.HCM cần nhìn nhận nghiêm túc, không phải để xác định trách nhiệm, mà cần nhận thức rằng đây là điều nguy hiểm và nếu không làm tốt hơn thì dịch bệnh sẽ tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn và đề nghị các cấp, các ngành và người dân nghiêm túc thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhìn nhận 55 ngày qua, lực lượng chống dịch đã căng mình, người dân chịu đựng nhiều đồng thời kêu gọi sự chung sức, đồng lòng để sớm kết thúc giai đoạn khó khăn này.
Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ tăng cường công an, quân đội, lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở tuần tra, kiểm soát để từng địa bàn kiểm soát nghiêm, với tinh thần “nhà nào ở nhà đó”, hạn chế tối thiểu ra đường.
Ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ có quy định tăng cường các biện pháp thắt chặt di chuyển. Thành phố sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian di chuyển ngoài đường. Cũng có thể giới hạn ở một số khung giờ nào đó, như sau 18 giờ thì một số đối tượng, nhiệm vụ bị hạn chế.
Khi việc di chuyển bị hạn chế, TP.HCM sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, xử lý tốt hơn các tình huống y tế, khẩn cấp khác mà người dân có nhu cầu trong thời gian giãn cách.
Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, TP.HCM sẽ quyết tâm, thực hiện triệt để các biện pháp với mục tiêu 1-2 tuần kiểm soát được dịch bệnh, thước đo là ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Khi đó, TP.HCM sẽ công bố kết thúc giãn cách hoặc các biện pháp tiếp theo. Đáng chú ý, TP.HCM cũng chuẩn bị đến tình huống xấu hơn, không chỉ các cơ quan chức năng mà người dân cũng cần chuẩn bị tâm thế đó.
Mạnh tay với người “giả dạng” shipper kiếm cớ ra đường
Ngày 25.7.2021, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về triển khai các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều người ra đường không có lý do chính đáng, trong đó có cả người mặc áo shipper. TP.HCM khuyến cáo người dân nếu đi ra ngoài đường là tăng nguy cơ lây lan nên cần ở nhà để bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng chứ không phải đặt nặng vấn đề xử phạt.
Trước phản ánh của báo chí về một số người lợi dụng mặc trang phục shipper để đi ra đường, lãnh đạo TP.HCM cho biết trong thời gian cao điểm, các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử lý triệt để hơn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho biết đã nắm được thông tin một số người lợi dụng mặc áo shipper để kiếm cớ ra đường. Ông Dương Anh Đức chỉ đạo lực lượng các chốt kiểm soát di động, kiểm tra xử lý nhiều trường hợp. Bằng kinh nghiệm, lực lượng tuần tra có thể kiểm tra người mặc áo shipper, nếu tham gia công việc vận chuyển các hãng công nghệ thì phải có ứng dụng và lệnh giao dịch. Ông Dương Anh Đức cho biết thêm, việc này đã được triển khai khá tốt, khi thấy có số hiệu gia tăng đột biến thì sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn.
Ông Dương Anh Đức cho biết tinh thần của TP.HCM là thực hiện triệt để Chỉ thị 16 toàn thành phố, những nơi cách ly, phong tỏa thì thực hiện nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, người dân không di chuyển, không tiếp xúc khi không cần thiết. Các lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm những vi phạm, giữ chặt kỷ cương.
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ tham mưu UBND TP.HCM ban hành quy định shipper chỉ vận chuyển mặt hàng thiết yếu và phải từ chối vận chuyển các mặt hàng không phải hàng hóa thiết yếu. Ông Lâm cho biết thêm, lực lượng chức năng các chốt sẽ kiểm tra, nếu không phải là shipper của các hãng công nghệ, hoặc giao hàng mặt hàng không thiết yếu sẽ bị xử lý.
Phó chủ tịch TP.HCM nói gì về chuyện cho Vingroup mượn 5.000 liều vắc xin?
Sáng 25.7, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cho Tập đoàn Vingroup mượn 5.000 liều vắc xin, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết Tập đoàn Vingroup đã huy động lực lượng lớn hỗ trợ thành phố trong công tác chống dịch. Tập đoàn này cũng là đơn vị tài trợ kinh phí cho cả nước và thành phố, bao gồm cả kinh phí hỗ trợ quỹ mua vắc xin Covid-19.
Tại TP.HCM, Tập đoàn Vingroup đã tài trợ hơn 2.000 máy thở chức năng cao, là thiết bị mà bệnh viện ở thành phố đang cần. Theo ông Đức, nhiều lực lượng của Tập đoàn Vingroup có tiêu chuẩn tiêm vắc xin nhưng do điều kiện chưa sẵn sàng tại thành phố nên đề nghị thành phố hỗ trợ 5.000 liều để tiêm khẩn cấp cho lực lượng đang tham gia trực tiếp tại TP.HCM trong tất cả các khâu như logistics, xét nghiệm.
Ông Đức cũng thông tin thêm là Vingroup ngoài hỗ trợ trang thiết bị y tế còn hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế, sinh phẩm, máy móc xét nghiệm với công suất hàng chục ngàn test đơn cho thành phố.
Từ nhu cầu đó, TP.HCM hỗ trợ Tập đoàn Vingroup mượn trước để tiêm cho các lực lượng này.
Ông Dương Anh Đức cho rằng: “Đây là việc hợp tình, hợp lý và phục vụ trực tiếp cho công tác phòng chống dịch của thành phố”.
Trả lời câu hỏi nếu các doanh nghiệp khác cũng đề nghị được vay mượn thì thành phố xử lý thế nào, ông Dương Anh Đức cho biết sẽ cân nhắc theo khả năng của thành phố, nếu có lợi cho công tác phòng chống dịch thì thành phố sẽ làm dựa trên nhu cầu vắc xin thực tế.
Đủ kiểu xin bỏ qua khi bị xử phạt vì “ra đường không cần thiết”
Ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16+ phòng chống Covid-19, những trường hợp bị CSGT TP.HCM phạt “ra đường không cần thiết” đã trình bày đủ mọi lý do: vì sếp, vì công ty, vì cuộc sống,… xin bỏ qua, nhưng đều thở dài vì phải cầm biên bản 2 triệu ra về.
Vùng ven TP.HCM phát “phiếu đi chợ”, ai không chấp hành sẽ bị phạt
Nếu trong những thời điểm bình thường “phiếu đi chợ” sẽ cực kỳ lạ lùng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở TP.HCM thì “phiếu đi chợ” là một trong số các giải pháp quản lý để đảm bảo giãn cách xã hội.
Trong ngày 24.7.2021, UBND phường Tân Hưng Thuận thuộc quận 12, TP.HCM đã phát 8.282 phiếu đi chợ chuyển xuống cho từng hộ gia đình để người dân có thể phân thời gian đi mua nhu yếu phẩm cần thiết theo đúng quy định vào sáng hoặc chiều những ngày trong tuần.
Phường Tân Hưng Thuận cũng đã lập 9 chốt của UBND phường và một chốt liên quận. Tại các khu phố cũng thành lập một số chốt theo tinh thần Chỉ thị 16 và Chỉ thị 12. Ngoài các điểm chốt cố định, UBND phường còn thành lập hai Tổ cơ động gồm: Lực lượng công an, quân sự, bảo vệ dân phố, công chức… sẽ đi tuần tra, kiểm tra trên địa bàn phường với các trường hợp người dân ra ngoài không thực sự cần thiết theo quy định.
Việc lập chốt, thành lập các tổ công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên trên địa bàn để đảm bảo khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận…
Vẫn dắt chó đi dạo, cà phê vỉa hè ngày Hà Nội giãn cách
Thủ đô Hà Nội đang trong thời gian 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ vì dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng phức tạp. Tuy nhiên, khi thành phố bắt đầu giãn cách, vẫn còn nhiều người chưa thực hiện đúng quy định.
Ngày 24.7.2021, thông tin từ Công an phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, cho biết đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt hành chính 7 người, mỗi người 2 triệu đồng, vì ra ngoài không có lý do chính đáng. Ngoài ra có rất nhiều trường hợp bị nhắc nhở.
Theo trung tá Vũ Thế Cường, Trưởng Công an phường Hàng Trống, một số người dân lấy lý do chưa nắm được thông tin, cố tình vi phạm. Tuy nhiên, để quyết liệt phòng chống dịch, những người ra ngoài đường trong trường hợp không thực sự cần thiết, vi phạm quy định phòng chống dịch, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt nghiêm.
Mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội vừa ban hành khung xử phạt với 16 hành vi vi phạm phòng chống dịch Covid-19 với mức phạt tiền cao nhất lên tới 200 triệu đồng. Đối với việc ra ngoài đường khi không có việc cần thiết có thể bị phạt ở mức tối đa lên đến 3 triệu đồng.
Yên lòng bên chốt bảo vệ “vùng xanh”
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chốt kiểm soát bảo vệ vùng xanh (vùng không có dịch) được dựng lên ngay tại TP.HCM, nơi tâm dịch Covid-19.
“Vùng xanh” là cách gọi đối với các khu vực không có dịch Covid-19. Các chốt bảo vệ “vùng xanh” này được triển khai từ ngày 22.7.2021 nhằm kiểm soát người ra vào khu vực. Tại đây, các tình nguyện viên túc trực và hướng dẫn đồng thời hỗ trợ người dân giao nhận hàng. Bên cạnh đó còn nhắc nhở những người tới giao hàng bảo đảm an toàn phòng dich.
Đối với người dân trong khu vực muốn ra vào phải xuất trình giấy tờ và chỉ được đi trong trường hợp cần thiết theo nội dung của Chỉ thị 16/2020.
Ông Lê Minh Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy P.4, Q.3 cho biết những tuyến đường được lập “chốt bảo vệ vùng xanh” là những tuyến đường dẫn vào khu dân cư hiện tại chưa có ca nhiễm Covid-19. Nếu cứ để người lạ bên ngoài và người giao hàng đến giao hàng thường xuyên thì sẽ không kiểm soát được trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Gian hàng rau củ đặc biệt trên những chuyến xe buýt Sài Gòn
Vài ngày qua, những chiếc xe buýt màu xanh quen thuộc với người dân T.P.HCM đã lăn bánh trở lại sau thời gian dài tạm nghỉ nhưng không phải đón chở khách, mà làm một nhiệm vụ mới, đó là mang rau củ quả tươi sạch với giá bình ổn đến tận nơi ở của người dân đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19.
Để đảm bảo giãn cách xã hội, người dân đến mua hàng không cần lên xe buýt mà chỉ cần xếp hàng phía dưới. Nhân viên sẽ phát phiếu mua hàng cho từng người. Mặt hàng sẽ được cập nhật từng ngày nên ai mua gì chỉ cần tích vào ô đó ghi kèm số lượng rõ ràng. Muốn giao tận nhà chỉ cần gọi vào số điện thoại hotline, nhân viên xe buýt sẽ phục vụ tận nơi.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 25.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.