Những ngày gần đây, không khí tại nhiều địa điểm nhưPhố Tây Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ,… dần “hồi sinh” trở lại. Tuy nhiên, sau một tuần mở cửa, lượng khách quốc tế ở đây vẫn rất ít ỏi.
Những ngày gần đây, không khí tại nhiều địa điểm như Phố Tây Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ,… dần “hồi sinh” trở lại. Tuy nhiên, sau một tuần mở cửa, lượng khách quốc tế ở đây vẫn rất ít ỏi.
Khách Tây đìu hiu
Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ 19 giờ, lượng khách đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để dạo chơi, ăn uống bắt đầu đông dần, đa số đều là khách nội địa, chỉ có lác đác 10 – 15 du khách quốc tế.
19 giờ trở đi là thời điểm phố đi bộ Nguyễn Huệ nhộn nhịp nhất. |
Ngay khi hay tin Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế vào 15.3, chị Katya (29 tuổi, cư dân Hồng Kông) rất hào hứng và ngay lập tức đặt vé máy bay cho cả gia đình sang đây du lịch. Chị Katya cho biết, đây là lần thứ hai chị đến Việt Nam.
“Tôi từng đến Việt Nam cách đây 4 năm cùng mẹ của mình. Kể từ lần đó, tôi luôn mong muốn được trở lại tham quan vì con người ở đây rất hiếu khách. Đây là lần đầu tiên đôi đến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Không gian ở đây rộng rãi, mát mẻ, thích hợp cho cả gia đình cùng nhau đi dạo. Đồ ăn đường phố ở đây cũng rất ngon. Tôi nghĩ sẽ hoàn hảo hơn nếu ở đây có thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em”, chị Katya hào hứng.
Chị Ivan (bên phải ảnh) cùng gia đình đến tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ sau khi trở lại Việt Nam lần thứ hai |
Giống như chị Katya, ông Murray (55 tuổi, quốc tịch Úc) cũng lựa chọn phố đi bộ Nguyễn Huệ làm điểm đến để đi dạo, ngắm cảnh thành phố ban đêm. Ông Murray bất ngờ vì khung cảnh ở đây khác hẳn so với thời chưa có dịch.
“Do dịch bệnh nên tôi vừa trở về từ Úc để thăm vợ mình cách đây 2 tuần. Hai vợ chồng tôi cũng thường xuyên đến đây. Phố đi bộ Nguyễn Huệ giờ khác quá, không còn cảnh đông đúc và ồn ào như trước”, ông Murray vừa nói vừa cẩn thận trông chiếc xe máy của mình dựng gần đó.
Tình hình buôn bán sau khi mở cửa đón khách quốc tế vẫn ế ẩm |
Còn ở Phố Tây Bùi Viện, không khí nhộn nhịp đã dần trở lại. Một số quán bar lớn, mở nhạc sôi động,… thu hút rất đông khách đến quán. Tuy nhiên, đó chỉ là vài quán ở con phố này không phải chịu cảnh ế khách.
21 giờ đêm, nhiều hàng quán vẫn đìu hiu, các hàng ghế xếp dài trống trơn. Chủ quán, nhân viên thi nhau tràn ra giữa đường vẫy khách, không ngớt giới thiệu hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn như “mua 2 tặng 1”, “giảm giá 50% đồ uống” nhưng vẫn không có hiệu quả.
Phố Tây Bùi Viện tấp nập người qua lại |
Một chủ nhà hàng cho biết đã rất phấn khởi khi biết tin Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế. Nhưng trái với kỳ vọng của mình, chị này cho biết suốt 1 tuần qua, nhà hàng chỉ tiếp đón 4 vị khách Tây.
“Hồi trước dịch, quán tôi đón tới 50 – 60 khách/đêm, hơn một nửa số khách đó là người nước ngoài. May ở đây là nhà của tôi, chứ nếu phải thuê mặt bằng như mấy quán kia thì chắc dẹp tiệm lâu rồi”, chị vừa nói vừa chỉ tay vào những biển treo cho thuê mặt bằng.
Chị cho biết thêm những người khách nước ngoài đến quán chủ yếu là khách quen, ở Việt Nam đã lâu. “Tôi nghĩ khách quốc tế chưa đông là vì tâm lí còn sợ dịch, nếu còn như này không biết xoay sở làm sao”, chủ nhà hàng này thở dài.
Chủ cửa hàng tràn ra đường để vẫy khách |
Mong ngày trở lại như xưa
Khi nghe PV hỏi về tình hình buôn bán, bà K.A (52 tuổi, bán hàng rong tại phố đi bộ Nguyễn Huệ) thở dài đáp “cũng chẳng khác trước khi mở cửa là bao”. Trước đây, lượng khách hàng đông đúc, phải đến 2 giờ sáng bà mới dọn hàng. Nhưng hiện tại, chưa đến 12 giờ bà đã về nhà vì “quá ế ẩm”.
Sau hai năm chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh, nhiều nơi tại Phố Tây Bùi Viện đã treo biển cho thuê mặt bằng. Ai nấy đều mong mỏi sự trở lại của du khách quốc tế sẽ “vực con phố này trở lại như trước”.
Sau gần 2 tuần mở cửa du lich, nhiều quán chỉ đón lượng khách 10% – 20% so với trước dịch |
Sinh sống ở Việt Nam từ năm 2015, ông Ivan (quốc tịch Nga, 44 tuổi) dành một tình yêu đặc biệt cho nơi đây. Ông Ivan đã từng thực hiện nhiều chuyến đi phượt khắp các tỉnh ven biển miền Trung và các vùng đồi núi ở phía Bắc.
Phố Tây Bùi Viện là một điểm hẹn quen thuộc của ông cùng bạn bè. Từ sau khi TP.HCM hết giãn cách, ông thường xuyên đến đây, khoảng 3 lần/tuần. Theo ông, điều tuyệt nhất ở con phố này là có nhiều quán bar lớn, đồ uống không chỉ đa dạng mà giá cả còn rất phải chăng.
Sau gần 2 tuần mở cửa du lich, nhiều quán chỉ đón lượng khách 10% – 20% so với trước dịch |
“Sau 1 tuần mở cửa, tôi thấy bắt đầu có nhiều khách châu Âu đến đây chơi hơn, các khách sạn dọc đây cũng có nhiều người đến du lịch bụi hơn nữa. Rất mong với tình hình này, mọi thứ sẽ từ từ khôi phục trở lại”, ông Ivan chia sẻ.
Tuy lượng khách quốc tế tìm đến Bùi Viện chưa đông nhưng anh Bùi Nhựt Linh (20 tuổi, nhân viên một quán nước) vẫn tràn đầy lạc quan. Anh Linh cho biết: “Tôi làm ở đây 4 năm, trải qua 4 đợt dịch nên bây giờ chỉ cần quán được mở cửa đã là một niềm hạnh phúc với tôi rồi. Nhớ lại khoảng thời gian đầy cam go ấy, cả khu phố lúc nào cũng vắng lặng, tôi không nghĩ là Bùi Viện có thể hồi sinh được như vậy”.
Nhiều quán đến giờ vẫn đóng cửa và treo biển cho thuê mặt bằng |
Là một trong những tụ điểm trụ lại được qua dịch, chị L (quản lý một quán bar tại Bùi Viện) cho hay, tiền thuê mặt bằng của quán lên đến 300 triệu/tháng. Lượng khách quốc tế đóng góp hơn một nửa vào thu nhập của quán. Để thu hút khách và duy trì hoạt động, quán bar này phải khuyến mãi 20 – 30% hoặc đưa ra ưu đãi mua 1 tặng 1.
Hơn 10 giờ đêm là thời điểm đông khách nhất ở Bùi Viện, nhưng chủ yếu là khách nội địa |
“Một tuần nay, quán cũng tiếp một vài khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật,… nhưng lượng khách này khá ít ỏi, chỉ chiếm khoảng 20% so với thời chưa có dịch. Thiếu khách quốc tế, quán bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi mong việc buôn bán được hồi phục lại, mọi thứ trở về như ngày xưa”, chị L. chia sẻ.
Nguồn: thanhnien.vn