Wednesday, January 8, 2025

Quy mô nền kinh tế Ninh Bình tăng gấp 105 lần sau 30 năm tái lập



Sau 30 năm tái lập tỉnh, quy mô nền kinh tế Ninh Bình tăng gấp 105 lần, thu ngân sách gấp hơn 500 lần.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, quy mô nền kinh tế Ninh Bình tăng gấp 105 lần, thu ngân sách gấp hơn 500 lần.

Tối 27.3, tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (TP.Ninh Bình), tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm (năm 1822 – 2022) danh xưng Ninh Bình, và 30 năm (1.4.1992 – 1.4.2022) tái lập tỉnh Ninh Bình.

Quy mô nền kinh tế Ninh Bình tăng gấp 105 lần sau 30 năm tái lập

Ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư phát biểu, chỉ đạo tại lễ kỷ niệm

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư T.Ư Đảng cùng lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, các nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước đã tham dự buổi lễ.

Theo tài liệu lịch sử, danh xưng Ninh Bình có từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), khi triều Nguyễn đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình, hàm ý đây là một vùng đất vững chãi, bình yên.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình, và đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Ninh Bình được đổi thành tỉnh Ninh Bình.

Ngày 27.12.1975, Ninh Bình được hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26.12.1991, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình.

Ngày 1.4.1992, tỉnh Ninh Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới, gồm các huyện: Hoàng Long, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Kim Sơn, TX.Ninh Bình, và TX.Tam Điệp. Tháng 11.1993, H.Hoàng Long được đổi tên thành H.Nho Quan.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, cho biết sau 30 năm tái lập và phát triển, quy mô nền kinh tế của tỉnh Ninh Bình (số liệu tính đến hết năm 2021) đạt hơn 72.000 tỉ đồng, gấp 105 lần so với năm 1992; GRDP bình quân đầu người đạt 71,5 triệu đồng, gấp 85 lần so với năm 1992; thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt hơn 22.000 tỉ đồng, gấp trên 500 lần so với năm tái lập tỉnh và trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách Nhà nước từ năm 2022.

Diện mạo đô thị, nông thôn của Ninh Bình đã thay da đổi thịt. Đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 huyện, thành phố được công nhận chuẩn nông thôn mới…

Quy mô nền kinh tế Ninh Bình tăng gấp 105 lần sau 30 năm tái lập

Một góc TP.Ninh Bình (Ninh Bình) sau 30 năm tái lập tỉnh

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư chúc mừng những thành quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 30 năm qua.

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Ninh Bình là một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng… Trải qua lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, với tinh thần yêu nước, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, dũng cảm, kiên cường, người dân Ninh Bình đã tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc”.

Để Ninh Bình tiếp tục phát triển, phát huy được các thành quả đã đạt được, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý tỉnh Ninh Bình cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đặc thù riêng của mình, nhất là vị trí kết nối khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Tây Bắc; quan tâm, quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, coi trọng bảo vệ môi trường, xem đó là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững; chăm lo, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống cao đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư; tăng cường và tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị… xây dựng Ninh Bình ngày một phát triển hơn nữa.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img