Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân trên 50 tuổi nên khám định kỳ về mắt để không nhầm lẫn giữa hai bệnh cườm nước và cườm khô, tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc là mù vĩnh viễn.
Nhầm lẫn khi chẩn đoán có thể khiến bệnh nhân bị hỏng thị lực
Dù mang trong mình căn bệnh cườm nước nhưng cách đây 3 năm, ông Nguyễn Văn Hồng (53 tuổi), ngụ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bị một cơ sở y tế chẩn đoán nhầm và tiến hành phẫu thuật cườm khô. Sau ca phẫu thuật đó, mắt ông Hồng càng lúc càng mờ và yếu dần đi.
Tình trạng xuất hiện “một tấm màn trắng trước mắt” khiến ông Hồng lo lắng và quyết định tìm đến một chuyên gia về mắt để thăm khám. Phát hiện ông Hồng bị cườm nước, ngay lập tức, các bác sĩ đưa phác đồ điều trị. Đến nay, mắt của ông Hồng đã dần hồi phục, có thể nhìn rõ hơn.
Ông Hồng kể: “Khi phát hiện bệnh, tôi lo lắng vì có thể không nhìn thấy ánh sáng, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân và gia đình. Tôi sợ, tôi sẽ không được nhìn thấy con cháu”. Bệnh nhân Hồng cho biết, trước khi phát hiện cườm nước, ông không có biểu hiện hay có bất cứ triệu chứng gì.
Theo các chuyên gia, trong quá trình điều trị, phẫu thuật và nhỏ mắt hằng ngày đã giúp mắt của bệnh nhân ngày càng hồi phục tốt hơn.
Sau quá trình điều trị cườm nước đúng cách, ông Hồng có thể đọc báo trên điện thoại |
Không giống ông Hồng, bà Lê Minh Yến (55 tuổi) có địa chỉ tại TP.HCM đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn sau một thời gian tự ý dùng thuốc nhỏ mắt, thị lực giảm.
Khoảng 4 tháng gần đây, bà Yến bị đau mắt và tự mua thuốc ở các nhà thuốc vì nghĩ mắt mỏi/bụi. Sau khi nhỏ mắt một thời gian, thị lực của bà Yến càng lúc càng giảm dần. Khi đi khám tại chuyên khoa mắt thì phát hiện bản thân bị cườm nước.
Bà Yến cho biết, mắt của bà hoàn toàn bình thường trước khi bác sĩ phát hiện cườm nước. Cách đây 3-4 năm, lâu lâu xuất hiện những cơn đau đầu thoáng qua, mắt mờ đôi chút nhưng 1-2 ngày lại bình thường. Thời điểm đó, bác sĩ chẩn đoán có thể bà Yến đã bị cườm nước nhưng vì biểu hiện quá mờ nhạt nên bà đã bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị.
Bà Yến cho biết thêm, chị gái của bà đang ở nước ngoài cũng bị cườm nước. Lúc này, bà Yến mới nghi ngờ căn bệnh này có yếu tố di truyền.
Các bác sĩ đánh giá có thể bà Yến đã bị cườm nước từ 3-4 năm trước nhưng không phát hiện ra do biểu hiện không rõ ràng. |
Cách phân biệt bệnh cườm khô và cườm nước
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp – Giám đốc Bệnh viện mắt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ThS-BS Nguyễn Trần Quốc Hoàng – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Mắt Sài Gòn cho biết, cườm khô là từ dân gian để chỉ bệnh đục thủy tinh thể. Thủy tinh thể là một cấu trúc trong suốt có vai trò như thấu kính hội tụ trong mắt. Nó có thể bị đục bẩm sinh hoặc do chấn thương, bệnh tật hay phẫu thuật ở mắt, do quá trình lão hóa tự nhiên. Phương pháp duy nhất điều trị bệnh đục thủy tinh thể là phẫu thuật.
Cườm nước (hay thiên đầu thống) là từ dân gian để chỉ bệnh Glôcôm. Do thần kinh thị giác bị tổn thương nên thị trường (khả năng nhìn bao quát) bị thu hẹp, thị lực giảm dần cho tới mù hoàn toàn. Bệnh Glôcôm có 2 dạng: cấp tính và mạn tính.
Trong dạng cấp, bệnh nhân nhức mắt, nhức nửa đầu cùng bên, có thể nôn mửa hay buồn nôn, dễ bị chẩn đoán lầm là bệnh đường tiêu hóa. Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để hạ nhãn áp, sau đó có thể điều trị laser hay phẫu thuật. Mắt bên kia của bệnh nhân sẽ được điều trị laser phòng ngừa nếu có yếu tố nguy cơ.
Tọa đàm trực tuyến “Căn bệnh Glôcôm – Kẻ cắp thị lực thầm lặng” ngày 12.3.2022 |
Dạng mạn tính nguy hiểm hơn vì bệnh nhân thường không đau nhức, thậm chí không có triệu chứng gì khác thường. Họ chỉ đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, lúc thần kinh thị giác đã bị tổn thương nhiều gây thu hẹp thị trường trầm trọng và giảm thị lực. Lúc này, việc phẫu thuật chỉ giúp giữ phần thị lực ít ỏi còn lại. Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là đến khám định kỳ tại các cơ sở nhãn khoa tin cậy và tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên khám định kỳ về mắt để không nhầm lẫn giữa hai bệnh cườm nước và cườm khô, tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc là mù vĩnh viễn. Các bác sĩ cũng lưu ý, những ai đang điều trị bệnh cườm nước hãy tuân thủ đúng lộ trình điều trị, duy trì dùng thuốc nhỏ mắt thường xuyên theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm, Công ty TNHH Novartis Việt Nam đã cùng Bệnh viện Mắt Bà Rịa – Vũng Tàu, Hệ thống bệnh viện Mắt Sài Gòn và HelloBacsi tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Căn bệnh Glôcôm – Kẻ cắp thị lực thầm lặng”.
Độc giả có thể xem lại buổi tọa đàm tại đây.
Nguồn: thanhnien.vn