Giá phân bón thế giới tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã có cơ hội kiếm “bộn tiền”.
Từ đầu năm 2021, giá phân bón thế giới tăng cao khiến giá trong nước cũng tăng theo. Chỉ tính từ tháng 1 đến nay, nhiều loại phân bón có giá tăng cao gấp rưỡi hoặc gần gấp đôi.
Tăng “chưa từng có tiền lệ”
Tăng mạnh nhất phải kể đến phân ure, tăng khoảng 73-75% tùy loại. Ví dụ, giá phân urê Cà Mau ngày 05/01/2021 ở mức 7.400 nghìn đồng/tấn thì ngày 21/7 có giá 12.800 nghìn đồng/tấn; giá DAP từ 1.000 nghìn đồng/tấn tăng lên 1.540 nghìn đồng/tấn. Nhìn chung, phân DAP tăng từ 49%-54% tùy loại, NPK Cà Mau và Phú Mỹ tăng trên 30%. Riêng phân NPK Bình Điền tăng giá không nhiều khoảng 6% tính từ đầu năm.
Nhờ sự tăng vọt, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã đẩy mạnh tối đa công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng sản xuất của Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) đạt 456.000. Sản lượng tiêu thụ đạt 421 nghìn tấn. Kinh doanh thuận lợi giúp DCM đạt doanh thu ước 4.339 tỷ đồng, cùng với các hoạt động tiết kiệm chi phí hiệu quả giúp lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Tất cả các chỉ tiêu trên đều vượt kế hoạch năm 2021.
Theo ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc Phân bón Dầu khí Cà Mau, 6 tháng đầu năm 2021 được xem là một năm “chưa từng có tiền lệ” trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và urê nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát.
Một “đại gia” khác trong ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ (DPM). Giá phân bón tăng mạnh, lợi nhuận quý 1 tăng 74% so với cùng kỳ 2020. tăng 74% so với cùng kỳ 2020. Năm 2021 Đạm Phú Mỹ (DPM) lên kế hoạch lãi 365 tỷ đồng giảm 48% so với 2020, theo đó ngay quý 1 đã hoàn thành được 47% mục tiêu. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 2.003,6 tỷ đồng tăng 28% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng tăng tỷ lệ tương ứng nên lợi nhuận gộp đạt gần 375 tỷ đồng tăng 28% so với quý 1/2020.
Trong kỳ DPM có hơn 27 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, chi phí tài chính giảm đáng kể từ 27,8 tỷ đồng xuống còn 17,8 tỷ đồng nên sau khi trừ các khoản chi phí DPM lãi sau thuế gần 171 tỷ đồng tăng 74,5% so với quý 1/2020.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do giá bán mặt hàng phân bón quý 1/2021 tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng.
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cho biết, doanh thu và lợi nhuận từ mảng hóa chất trong 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ do giá bán nhiều sản phẩm hóa chất cơ bản, trong đó chủ yếu là giá Ammonia (NH3) trên thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Khu vực ngoài Bắc, Công ty cổ phần DAP – Vinachem cho biết lợi nhuận sau thuế Quý II/2021 của doanh nghiệp này đạt trên 54 tỷ đồng. Trong khi đó, cả năm 2020 công ty mới chỉ lãi 20 tỷ đồng.
Lợi nhuận “khủng” nhất phải kể đến Công ty CP tập đoàn hóa chất Đức Giang (DGC). Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất lũy kế đến quý II/2021 là trên 625 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của DGC tăng 28,79% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đào Hữu Duy Anh – Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn hóa chất Đức Giang, nguyên nhân tăng trưởng cao như vậy là do: sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, giá bán tăng, sản xuất và tiêu thụ không bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; Do có sự đổi mới về công nghệ sản xuất phốt pho vàng, axit phosphoric trichs ly và phân bón đã giúp công ty giảm được chi phí điện năng, chi phí nguyên liệu đầu vào dẫn đến giá thành sản phẩm hạ, làm cho lợi nhuận gộp tăng 24,7% so với cùng kỳ.
Kẻ cười, người khóc
Trong khi giá phân bón tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiếm “bộn tiền” thì người nông dân lại gặp khó.
Ông Bùi Văn Toán, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết, để sản xuất 1ha lúa từ lúc xuống giống tới lúc thu hoạch, ông phải bón khoảng nửa tấn phân bón các loại. Với mức giá phân bón thời điểm cuối năm 2020 chỉ hết khoảng hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, giá phân bón liên tục tăng mạnh cùng các chi phí khác thì hiện tại người nông dân đang bị lỗ, chứ chưa nói đến chuyện “lấy công làm lãi”.
Chịu thiệt thòi hơn là các hộ nông dân các tỉnh phía nam, do diện tích cây trồng lớn, lượng phân bón tiêu thụ nhiều. Ông Hồ Văn Thư, ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) trồng 2ha tiêu. Theo ông, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thậm chí cao hơn khi dịch, bệnh bùng phát phải bón lại cho cây. Mỗi năm, chi phí chăm sóc cho vườn tiêu là 100 triệu đồng/ha, trong đó tiền phân bón gần 40 triệu đồng. Tuy nhiên, giá phân bón tăng mạnh khiến chi phí chăm sóc vườn tiêu tăng cao. “Mỗi bao Urê giá 680 ngàn đồng. Gia đình tôi mới bỏ 2/3 đợt phân nhưng đã hết hơn 100 triệu đồng. Nếu giá phân tiếp tục tăng thì năm nay gia đình phải chi ra hơn 200 triệu mới đủ bỏ phân cho 2ha tiêu”, ông Thư cho biết.
Giá phân bón tăng cao, ngay từ đầu năm đã có nhiều phương án được đưa ra để bình ổn thị trường trong nước. Theo ông Vũ Duy Hải – TGĐ Tập đoàn Vinacam nên dỡ bỏ tạm thời thuế phòng vệ đối với phân bón nhập khẩu để giảm giá phân bón cho người nông dân. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng nên có chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước còn thiếu.
Tuy nhiên, đứng về phía các doanh nghiệp sản xuất, họ cho rằng lượng phân bón đủ đáp ứng được nhu cầu trong nước và đây là thời điểm “vàng” để tranh thủ đẩy hết công suất và tận dụng cơ hội xuất khẩu. Ông Bùi Đăng Duẩn – Phó TGĐ công ty CP DAP Đình Vũ cho biết, giá DAP thời gian gần đây tăng đột biến chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như: chịu tác động tăng giá của thị trường phân bón thế giới, sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào…chứ không phải do các doanh nghiệp phân bón đẩy mạnh xuất khẩu dẫn đến việc khan hàng.
Rõ ràng, quyền lợi người nông dân và doanh nghiệp đang có sự mất cân đối quá lớn. Trong khi giá phân bón trong nước tăng cao mà lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn tăng vọt thì cần đến sự can thiệp của nhà nước nhằm bình ổn thị trường. Bởi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021 các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài 667.000 tấn phân bón, tăng tới 44,7% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.