Thursday, January 16, 2025

Tình hình Covid-19 hôm nay 9.4: Ca nhiễm giảm nhưng không chủ quan với biến chủng mới



Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Ca mắc mới tiếp tục giảm; Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác và yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới với biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay, thêm 34.138 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 8.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 34.140 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 34.138 ca trong nước (giảm 5.195 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh: Hà Nội 2.202, Bắc Giang 1.956, Nghệ An 1.656, Phú Thọ 1.652, Yên Bái 1.608, Lào Cai 1.544, Đắk Lắk 1.210, Bắc Kạn 1.118, Quảng Ninh 1.097, Quảng Bình 1.037, Lạng Sơn 990, Tuyên Quang 959, Vĩnh Phúc 954, Thái Bình 931, Hải Dương 820, Thái Nguyên 793, Bắc Ninh 720, Cao Bằng 708, TP.HCM 636, Lâm Đồng 601, Hà Giang 589, Hưng Yên 538, Sơn La 520.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội giảm 695 ca, Bắc Giang giảm 546 ca, Yên Bái giảm 507 ca. Các tỉnh, thành số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng tăng 601 ca, TP.HCM tăng 193 ca, Bình Dương tăng 187 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 41.857 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện, 1.551 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 201 ca thở máy xâm lấn và 2 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 26 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Đắk Lắk 7 ca trong 2 ngày, Đồng Nai 4 ca, Bạc Liêu và Kiên Giang mỗi nơi 2 ca, An Giang Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cao Bằng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Lạng Sơn và Vĩnh Long mỗi tỉnh 1 ca.

Tình hình Covid-19 hôm nay 9.4: Ca nhiễm giảm nhưng không chủ quan với biến chủng mới

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản với tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn

Xây dựng kịch bản có biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn. Kết luận phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng nay 9.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới với biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Về nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như virus có thể thích ứng với vắc xin hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn.

Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…; tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân. Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 – 2023) theo Nghị quyết 38 của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, giải pháp, chuẩn bị nguồn lực thực hiện chương trình.

Vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược. Nhấn mạnh nhiệm vụ tiêm vắc xin, tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 9.4, Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm cho thấy vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới.

Tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vắc xin, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra. Một nhiệm vụ quan trọng khác là tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thủ tướng cũng lưu ý đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc trong nước với phương châm “không để bị động, bất ngờ về vắc xin, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Vắc xin Covid-19 hiện nay có hiệu lực với biến chủng mới? Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được kết nối trực tuyến tới các địa phương tổ chức sáng nay 9.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, chúng ta có thể đủ sức đối phó những chủng virus cũ, song nếu có biến chủng mới mà các loại vắc xin hiện nay chưa có hiệu lực bảo vệ, chúng ta sẽ gặp khó khăn, bị động. Thủ tướng nêu rõ, với chiến lược vắc xin được triển khai thành công, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128, nếu dịch bệnh không có những diễn biến mới, không xuất hiện những biến chủng mới, chúng ta có thể tạm yên tâm với những kết quả đã đạt được, những việc đã làm, có thể đủ sức đối phó những chủng virus cũ.

“Tuy nhiên, nếu có biến chủng mới xuất hiện mà các loại vắc xin hiện nay chưa có hiệu lực bảo vệ thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, bị động, bất ngờ. Thực tế, tình hình thế giới vừa qua có nhiều diễn biến mới, khó lường như các diễn biến tại Ukraine, tình hình giá nguyên vật liệu, lạm phát ở nhiều nước… tác động tới Việt Nam”, Thủ tướng lưu ý. Người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu hơn lúc nào hết, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không quá bị động, bất ngờ.

921.600 liều vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đầu tiên đã tới Việt Nam. Theo thông tin từ trang Facebook của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam vào ngày 9.4, chuyến vắc xin đầu tiên với 921.600 liều đã tới sân bay quốc tế Nội Bài vào tối qua 8.4. Đây là số vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên cho trẻ em tại Việt Nam. Trước đó, ngày 22.3, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam về việc hỗ trợ vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Chính phủ Úc đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4.

Theo Bộ Y tế, bên cạnh nguồn vắc xin hỗ trợ của Chính phủ Úc, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vắc xin khác từ các tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và chính phủ các nước… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8 – 10 triệu liều vắc xin phòng Covid – 19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi của Việt Nam.

Trẻ 5 đến dưới 12 tuổi được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19. Bộ Y tế vừa có công văn về việc chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng thực hiện quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và xác thực thông tin người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. “Bắt buộc 100% các cơ sở tiêm chủng triển khai tiêm, nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác và thực hiện ký số chứng nhận trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành ngay trong ngày. Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành y tế cơ sở và lực lượng công an cơ sở trong việc xác minh, xác thực thông tin công dân khi thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”, công văn nêu rõ.

Liên quan đến việc cấp hộ chiếu vắc xin, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết từ tháng 4 này các cơ sở tiêm chủng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tất cả những mũi tiêm mới này, các cơ sở tiêm chủng phải cập nhật mã định danh để kết nối, xác thực, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ký số tập trung để cấp hộ chiếu vắc xin. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin như đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khác. Hộ chiếu vắc xin được cung cấp thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-Covid.

Cà Mau có 147.000 trẻ em thuộc diện tiêm vắc xin Covid-19 trong tháng 4. Ngày 9.4, tin từ Sở Y tế Cà Mau cho biết, trong tháng 4.2022, tỉnh Cà Mau sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dự kiến Cà Mau có 147.000 trẻ thuộc diện tiêm vắc xin. Tỉnh đã tập huấn cho cán bộ y tế và cán bộ ngành giáo dục nắm rõ các quy định về kỹ thuật tiêm, liều lượng tiêm cho trẻ. Người giám hộ, phụ huynh đồng ý ký tên và khám sàng lọc cho trẻ để phân đối tượng nào tiêm ở bệnh viện và đối tượng nào tiêm ở trường học, trạm y tế.

Đối với trẻ đã là F0, Bộ Y tế khuyến cáo có thể tiêm sau 3 tháng, tính từ thời gian nhiễm bệnh đến khi tiêm mũi đầu tiên. Ngành y tế tỉnh Cà Mau đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế. Nếu không có hướng dẫn, ngành y tế tỉnh này sẽ thực hiện tiêm cho trẻ sau khi đã bị nhiễm Covid-19 chưa đủ 3 tháng nhưng đảm bảo các điều kiện về sức khỏe và sự đồng ý của phụ huynh, người nhà. Nếu không có sự đồng ý của phụ huynh, người nhà, sẽ thực hiện tiêm cho trẻ khi đã đủ thời gian 3 tháng theo quy định. UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngành y tế đã sẵn sàng thực hiện ngay khi vắc xin được cung ứng.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, những người cần tiêm mũi 4. Mũi 4, tức mũi tăng cường thứ hai, đặc biệt quan trọng với những người trên 65 tuổi và người trên 50 tuổi có các bệnh tiềm ẩn làm tăng nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19, tạp chí Livescience dẫn lời tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), bất kỳ ai từ 50 tuổi trở lên đều có thể được tiêm mũi tăng cường thứ hai. Mũi này phải tiêm cách mũi tăng cường thứ nhất ít nhất 4 tháng. Những người trên 12 tuổi (đối với vắc xin Pfizer-BioNTech) hoặc trên 18 tuổi (đối với vắc xin Moderna) cũng có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai nếu mắc các căn bệnh làm suy yếu phản ứng miễn dịch. Đó là những người từng ghép tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị các căn bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch. Một nghiên cứu mới đây ở Israel cho thấy tỷ lệ tử vong của người tiêm 2 mũi tăng cường thấp hơn 78% so với người chỉ tiêm 1 mũi tăng cường. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết khả năng bảo vệ của mũi tăng cường thứ hai kéo dài bao lâu. Một số nhà khoa học lo ngại việc tiêm mũi tăng cường thứ hai có thể khiến khả năng chống chọi lại các biến thể SARS-CoV-2 trong tương lai của hệ miễn dịch bị suy yếu. Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng mình điều này.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img