Trước khi sáng tác chuyên nghiệp, nhạc sĩ Thế Hiển được biết đến với vai trò ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu tham gia Nhà văn hóa Thanh Niên, với câu lạc bộ ca sĩ trẻ, lúc đó Nhà văn hóa còn có câu lạc bộ sáng tác trẻ của các nhạc sĩ trẻ, gồm anh Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Phạm Đăng Khương… Sáng chủ nhật nào, anh em cũng trao đổi với nhau những tác phẩm mới, và có bài mới là mời tôi đi hát cho các anh ấy. Trong những buổi cà phê sáng chủ nhật ấy, tôi cũng tham gia góp ý về một số giai điệu, ca từ. Các anh nghe rồi bảo: phân tích được đấy, sao không sáng tác đi”. Cộng thêm như khích lệ của bạn bè, NSƯT Thế Hiển đã sáng tác ca khúc đầu tay vào năm 1982 – Khi bong bóng bay.
Các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Thế Hiển có thể kể đến như: Hát về anh, Nhánh lan rừng, Tóc em đuôi gà, Nhong nhong nhong, Dấu chấm hỏi...
|
1983 – cột mốc đáng nhớ đầu tiên cho sự nghiệp sáng tác của Thế Hiển là ca khúc Hát về anh, viết về những người lính biên cương. Bài hát nổi tiếng đến mức trên tất cả các phương tiện truyền thông, trong rất nhiều chương trình âm nhạc luôn vang lên giai điệu Hát về anh. Sau đó, anh viết tiếp một ca khúc về người lính, cũng gây tiếng vang không kém là Nhánh lan rừng.
Nếu những bài hát về người lính của NSƯT Thế Hiển mang đến sự lắng đọng, giàu sức sống, gợi mở ra không gian thoáng đãng hơn để cảm nhận về tình yêu quê hương đất nước từ những câu chuyện, hình ảnh thật gần gũi, mộc mạc thì các ca khúc dành cho tuổi trẻ, học trò của anh ở lại với người nghe bởi giai điệu tươi vui, trong sáng như chính lứa tuổi này.
Nhạc sĩ Thế Hiển trò chuyện cùng Đình Văn và MC Color Man về Nhánh lan rừng. Anh cho biết mình viết ca khúc này vào năm 1986, nhân chuyến đi Xiêm Riệp, Campuchia để phục vụ trước khi anh em bộ đội đón xuân
|
Người yêu nhạc thuộc thế hệ 7x, 8x có lẽ vẫn chưa quên Tóc em đuôi gà – bài hát được giới sinh viên học sinh lúc bấy giờ không những thuộc, chép tay chuyền cho nhau mà còn chế nhạc chọc ghẹo nhau. Chia sẻ với khán giả Dấu ấn huyền thoại, NSƯT Thế Hiển nhớ lại, đó là năm 1995, khi đi ngang qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM, chỗ trường Marie Curie, anh đi Honda, có 1 cô bé đạp xe đạp đi ngược chiều rồi đụng vào anh…
“Hai chú cháu ngã lăn ra, may mắn là không ai bị gì cả. Mình kiểm tra cô bé thì thấy cái bánh xe nó cong thành hình số 8. Tôi giận quá nên mới nói “Tại sao cháu đi ngược chiều?”. Cô bé có vẻ biết lỗi, xin lỗi tôi rối rít. Tôi mới nói xe cháu như vậy thì dắt qua bên kia đường đi, nhờ bác sửa xe giúp. Trong lúc chờ thì tôi mời cô ấy uống Coca, rồi ngồi nói chuyện. Sau khi tiếp xúc lại thấy ngạc nhiên là tuổi trẻ bây giờ nói chuyện có những nét văn hóa mới. Cô gây ấn tượng với tôi vì sự thông minh, và mái tóc đuôi gà, mặc chiếc áo dài trắng – hình ảnh tưọng trưng cho vẻ nữ sinh, tuổi mới lớn”, anh kể.
Nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ: “Trên đường về, tôi hồi tưởng, nhớ lại ngày xưa khi là chàng học sinh, tôi cũng thường đạp xe đạp đuổi theo các cô nữ sinh mặc áo dài trắng của trường gần đấy. Những kỷ niệm xa xưa trở về trong tôi và tự nhiên giai điệu của bài hát nó cứ bật ra trong đầu: Này cô bé có mái tóc đuôi gà…”. Dù bài hát đã trải qua bao thế hệ học trò nhưng giai điệu tươi vui, ca từ đáng yêu của nó cùng giọng hát Quang Linh đến nay vẫn vang lên thật đầy đặn với cảm xúc của người nghe hiện tại…