Thursday, January 16, 2025

Bờ kè chống xói lở liên tục… sạt lở, ai chịu trách nhiệm ?



Nhiều bạn đọc bức xúc trước việc bờ kè chống xói lở khu vực chợ Bình Thành được đầu tư với kinh phí gần 109 tỉ đồng, nhưng ngay từ khi xây dựng đến nay đã liên tục sạt lở, đe dọa an toàn khu dân cư.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 30.10.2015, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định phê duyệt đầu tư dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (gọi tắt là kè chợ Bình Thành). Dự án có tổng chiều dài 850 m nhằm bảo vệ dân cư khu vực chợ Bình Thành. Kinh phí đầu tư ban đầu hơn 90 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 75 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 15 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2016 – 2020, do Sở NN-PTNT Đồng Tháp làm chủ đầu tư.

Bờ kè chống xói lở liên tục... sạt lở, ai chịu trách nhiệm ?

Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành được đầu tư hơn trăm tỉ đồng liên tục bị sạt lở nặng (ảnh chụp ngày 17.4.2022)

Dự án có 2 gói thầu xây lắp. Theo đó, gói thầu số 6 xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông, chỉ định cho Công ty CP Nhân Bình (trụ sở tại Hà Nội) thi công phần chân kè, thả bao tải cát lấp hố xói, kết hợp vải địa kỹ thuật và thảm đá gia cố chân kè. Giá trị thực hiện gói thầu hơn 53,5 tỉ đồng, hoàn thành cuối năm 2017 sau hơn 15 tháng thi công.

Gói thầu số 7 thực hiện phần kè bê tông cốt thép bảo vệ bờ, thi công phần trên bờ, và được đấu thầu rộng rãi. Công ty CP Nhân Bình trúng thầu thi công với giá trị hợp đồng gần 25 tỉ đồng, thi công từ tháng 9.2017 đến cuối năm 2020 thì hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình thi công phần thân kè, ngày 9.5.2019, một đoạn thân kè dài 40 m bị sạt lở hoàn toàn xuống lòng sông, ăn sâu vào bờ 9 m.

Với những dòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long nền đất rất yếu, thủy triều lên xuống thất thường, dòng chảy mạnh, việc kè bằng bao tải cát và thảm đá hộc làm chân mái bị lún, mất ổn định. Theo tôi, thà chịu tốn kém bằng cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực thì mới đạt yêu cầu.

tqc20120722

Theo tôi không biết thì không làm, biết hiểu mới làm, mà làm phải biết kiểm tra! Nhìn dự án thì biết chẳng biết gì! Vậy nó đúng là XÂY để CẤT sao? Ai chịu trách nhiệm?

Tien Nguyen

Nếu chưa có biện pháp nghiêm minh với các bước để thi công các công trình thì vấn nạn này còn xảy ra nhiều nhiều, và tiền nhân dân, nhà nước còn lãng phí vô kể…

Gods King

Sau khi bờ kè bị sạt lở, UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì vào cuộc điều tra sự cố để khắc phục.

Để “cứu” công trình kè chợ Bình Thành, ngày 4.8.2020 UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt phương án xử lý khẩn cấp khắc phục các hố xoáy mới phát sinh giáp chân kè chợ Bình Thành với chiều dài 260 m, kinh phí trên 18,9 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh. Lần này, Công ty CP Nhân Bình lại tiếp tục được chỉ định thầu thi công lấp các hố xoáy bờ kè.

Như vậy, dự án bờ kè dài 850 m nhưng UBND tỉnh Đồng Tháp đã có 2 quyết định phê duyệt đầu tư, xử lý hố xoáy phát sinh, dẫn đến tổng nguồn vốn ngân sách gần 109 tỉ đồng. Theo đó, trung bình cứ 1 m kè chợ Bình Thành được phê duyệt kinh phí hơn 128 triệu đồng xây dựng.

Đối với công trình này, Công ty CP Nhân Bình tham gia cả 3 gói thầu xây lắp dự án, trong đó có 2 gói được chỉ định thầu.

Dân đau lắm đấy…

Nhiều bạn đọc (BĐ) rất bức xúc trước vụ việc bờ kè chống xói lở lại liên tục… sạt lở. BĐ Nguyễn Thị Phi Thảo chia sẻ: “Buồn, cả trăm tỉ đồng, con số không hề nhỏ! Sự vô cảm và tinh thần trách nhiệm ở đâu? Khi người dân các nơi được nhà nước xây dựng những công trình dân sinh xã hội, tất cả chúng ta đều sẽ rất mong đợi và vui mừng. Nhưng kết quả của công trình này… Buồn lắm!”. BĐ Duc Thanh Pham bức xúc không kém: “Mấy ông vung tiền của dân ra không thương tiếc. Không kiểm tra, rà soát mà bỏ thí để muốn làm gì thì làm. Nơi thì không có tiền để đầu tư, nơi thì vung vít không thể chấp nhận”.

Trong khi đó, BĐ Relax Channel gợi ý: “PV Thanh Niên nên về các vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ thấy nhiều công trình như hội trường, nhà văn hóa, nhà thể dục thể thao, thư viện, nhà trưng bày… từ cấp huyện đến cấp xã xây xong rồi bỏ hoang… Thử đi là biết”.

Trung ương cần vào cuộc

Đó là câu hỏi mà nhiều BĐ đặt ra, khi Thanh Niên có loạt bài Những công trình “làm nghèo” đất nước. BĐ Nói Thẳng nêu vấn đề: “Chưa thấy các cơ quan liên quan lên tiếng nhận trách nhiệm. Nếu làm việc mà không cần nhận trách nhiệm thì quá dễ, ai chẳng làm được. Dám ngồi vào vị trí lãnh đạo thì phải dám chịu trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ chứ? Điều đáng buồn là khi những công trình này “làm nghèo” đất nước, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân, nhưng chưa thấy người đại diện cho dân nơi đó lên tiếng. Vì sao không truy đến cùng người chịu trách nhiệm? Ai không đủ năng lực thì xuống để người khác làm”.

“Mất lòng tin của dân là ở nơi này, tiền của nhân dân rụng trước mắt, dân đau lắm đấy. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên vào cuộc…”, BĐ OQH nêu ý kiến. Cùng quan điểm, BĐ Thành đề nghị: “Trung ương cần vào cuộc kiểm tra xử lý những vi phạm, khuất tất trong việc xây dựng bờ kè, đưa ra quyết định xử lý những cá nhân vô trách nhiệm…”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img