Bướm bay mát mắt và đom đóm thắp sáng đêm là “đặc sản” rừng Cúc Phương vào tuần lễ Cúc Phương đại ngàn.
“Mùa này nếu vào rừng buổi sáng, sau cơn mưa, bướm rất đẹp. Bướm bay từng đàn, đậu vào tay người đi rừng. Còn đến đêm, đom đóm cũng tuyệt đẹp”, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc vườn quốc gia Cúc Phương (H.Nho Quan, Ninh Bình), nói.
Đây cũng là một trong những điều chờ đợi du khách tại tuần lễ Cúc Phương đại ngàn khai mạc 29.4 tới. H.Nho Quan cũng tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc H.Nho Quan vào thời gian này.
Hiện tại rừng Cúc Phương đang mùa bướm |
Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn và Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc H.Nho Quan sẽ được tổ chức tại Khu Hồ Mạc – Vườn quốc gia Cúc Phương, Sân vận động xã Cúc Phương và một số địa điểm khác.
Trong đó, sức hút lớn nhất nằm ở Cúc Phương – khu vườn 2 năm liền (2019, 2020) nhận danh hiệu Vườn quốc gia hàng đầu châu Á do World Travel Awards bình chọn.
Động vật ở rừng Cúc Phương rất đa dạng |
Các nội dung chính trong tuần lễ và ngày hội kể trên gồm: trình diễn múa cồng chiêng, múa sạp; giao lưu nghệ thuật quần chúng của các đoàn tham gia; đêm hội âm nhạc; hội diễn nghệ thuật quần chúng. Hoạt động thể thao có các bộ môn: bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, kéo co.
Sức sống của văn hóa bản địa cũng là nét đặc biệt của Nho Quan. Trên địa bàn huyện này có khoảng 29.000 người là dân tộc Mường sinh sống (chiếm 15% dân số của huyện).
“Ở Nho Quan, sản phẩm văn hóa của bản Mường hết sức phong phú. Có nhiều bản còn nguyên vẹn các phong tục xưa. Điều đó chúng tôi đánh giá rất cao. Đấy cũng là nét văn hóa cần bảo tồn”, ông Lê Quốc Thịnh, chủ Vedana Resort, nói.
Công trình kiến trúc bằng tre của KTS Võ Trọng Nghĩa |
Cũng do đánh giá cao du lịch xanh, du lịch văn hóa nên khu Vedana này của ông Thịnh có điểm nhấn là nhà hàng và trung tâm hội nghị làm bằng tre.
Riêng nhà hàng tre có tổng chiều cao lên đến hơn 15 m, tương đương một ngôi nhà cao 5 tầng. Các công trình bằng tre lớn này do KTS nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa, người đã mang công trình tre đi khắp thế giới, thiết kế và thực hiện. Các đồ dùng của người Mường cũng được trưng bày trong các công trình này.
Ông Nguyễn Văn Chính chia sẻ, nếu muốn đến để trải nghiệm cả vẻ đẹp của rừng lẫn không khí của ngày hội thì nên đến vào dịp tuần lễ Cúc Phương đại ngàn. Còn trường hợp bạn thích sự lặng lẽ mát mẻ của rừng, có thể đến bất cứ khi nào.
Nguồn: thanhnien.vn