Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, phát triển nhà cho thuê là một chính sách đặc biệt, căn cơ mà TP.HCM cần phải tính tới trong phương án về nhà ở cho công nhân, người lao động.
Hôm nay (24.4), HĐND TP.HCM tổ chức tiếp xúc cử tri với sự tham gia của khoảng 400 cử tri là nữ công nhân, viên chức, lao động với chủ đề về chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết phía công đoàn vừa qua có kết hợp với Công đoàn của Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện một khảo sát quy mô và trực tiếp tại nhà trọ trên địa bàn TP.HCM.
Qua khảo sát thấy rõ được nhu cầu nhà ở của công nhân, đặc biệt là nữ công nhân rất lớn; đồng thời có nhiều vấn đề bức xúc liên quan chính sách nhà ở mà các lãnh đạo TP.HCM cũng đau đáu vấn đề này.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề pháp lý vẫn chưa “gỡ vướng” được để có sự tham gia của doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, kiến nghị phát triển nhà cho thuê đảm bảo môi trường, điều kiện sống cho công nhân, người lao động |
“Đặc biệt, chất lượng ở các khu nhà trọ chỉ ở một mức độ nhất định. Cần có chính sách hỗ trợ cho chủ nhà trọ và cả người thuê trọ để nâng cao chất lượng lên”, bà Thúy nói.
Đồng thời, qua khảo sát, lượng nữ công nhân lao động có nhu cầu thuê trọ rất lớn, đặc biệt là công nhân có nguồn gốc xuất cư từ miền Tây Nam bộ, đa số chỉ có nhu cầu thuê để có chỗ ở ổn định làm việc. Sau đó họ có thể về quê và đất dưới quê có thể giải quyết được vấn đề nhà ở lâu dài cho họ và gia đình.
Mặt khác, hiện nay, người lao động cũng không đủ tiền để mua nhà ở xã hội tại TP.HCM.
“Do đó, nhà thuê là một chính sách rất đặc biệt mà chúng ta cần phải tính tới trong phương án về nhà ở cho công nhân, người lao động. Nếu có chính sách thuê nhà ở đảm bảo điều kiện an toàn, sạch đẹp, có trường học, bệnh viện thuận lợi gần nơi họ làm việc thì giảm tải các áp lực khác như giao thông, trường học…”.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đề xuất các chính sách nhà ở cho công nhân phải tính đến giá, tính đến đối tượng và xây dựng nhà cho thuê. Nó vẫn là căn cơ, cốt lõi và dễ giải quyết hơn đối với việc mua nhà ở xã hội”.
Cần qua tâm đến người lao động tự do
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, theo khảo sát chung, TP.HCM có hơn 4 triệu lao động nhưng công đoàn viên chỉ khoảng 1,4 triệu người. “Còn hơn 3 triệu người lao động không tham gia công đoàn hoặc là lao động tự do. Công đoàn TP.HCM đã vận động, tập hợp người lao động tham gia nghiệp đoàn như nghiệp đoàn xe ôm công nghệ, rác dân lập, nhóm trẻ gia đình, giúp việc nhà… để có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này”, bà Thúy nói.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận: “Thực tế có ít chính sách tác động, với tới người lao động tự do. Họ rất dễ bị tổn thương, gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong là TP.HCM khi xây dựng chính sách thời gian tới về nhà ở, trường học, bệnh viện… cần quan tâm hơn đến lao động tự do. Họ là lực lượng rất lớn cho các hoạt động dịch vụ và thị trường lao động TP.HCM”.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nếu như trước năm 2019, giá nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá căn hộ ở mức trên 20 – dưới 25 triệu đồng/m2; tương đương 1 – 1,6 tỉ đồng/căn nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM thông tin, sau 15 năm, TP.HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó giai đoạn từ năm 2016 – 2020 có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng tương ứng 14.900 căn hộ.
Đồng thời, TP.HCM cũng có 16 dự án nhà lưu trú công nhân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với khoảng 21.400 chỗ ở cho công nhân lao động tại 11/17 khu chế xuất – khu công nghiệp.
Nguồn: thanhnien.vn