Friday, November 22, 2024

Trùng tu hay hủy hoại di tích?



Câu chuyện trùng tu, tôn tạo di tích không đúng cách trở thành hủy hoại di tích giờ dường như là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…

Di tích, di sản là tài sản quý giá của đất nước, là yếu tố gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và là nơi chứa đựng những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng tâm linh mà thế hệ sau được kế thừa từ các thế hệ trước.

Thế nhưng, những năm qua, bất chấp những quy định của pháp luật, việc các di tích, di sản ở nước ta bị xâm hại, thậm chí là “bức tử” đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều địa phương thường xuyên phải đối mặt với tình trạng “chảy máu cổ vật”. Tình trạng phá hoại công trình, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa… hay tôn tạo, trùng tu không đúng cách đã khiến cho các di tích, di sản không còn giữ được tính nguyên trạng của nó.

Có thể kể tới nhiều sự việc gây dậy sóng dư luận như bê tông hóa đình Lương Xá – một ngôi đình cổ đã tồn tại hàng trăm năm ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội năm 2018. Thành nhà Mạc ở tỉnh Tuyên Quang bị ví như “lò gạch” sau khi trùng tu. Bia Quốc học Huế ở tỉnh Thừa Thiên – Huế bị hư hỏng nặng. Và mới đây nhất là sự việc đình Chèm – công trình kiến trúc cổ bậc nhất Việt Nam, được ví như “báu vật” 2.000 năm tuổi của Kinh thành Thăng Long – Hà Nội đã có nhiều dấu hiệu bị biến dạng, mất dần đi lớp áo trầm mặc, cổ kính mang trầm tích lịch sử, thời gian… Đó là nỗi xót xa và là điều mà dư luận đang rất quan tâm.

Di tích xuống cấp thì phải trùng tu, tôn tạo, điều đó là hiển nhiên. Nhưng trùng tu, tôn tạo như thế nào mới là đúng, mới thật sự hài hòa và không can thiệp thô bạo? Câu hỏi vẫn khiến rất nhiều người phải trăn trở, suy tư, để rồi cứ trở đi trở lại sau mỗi cuộc trùng tu không như ý.

Rõ ràng, trùng tu di tích cần phải được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, những người có hiểu biết về văn hóa, lịch sử để không làm mất đi đặc điểm, giá trị gốc của di tích đó và phải được thực hiện với một sự cẩn trọng, kỹ càng. Đây là điều bất cứ ai tâm huyết với di sản cũng đều mong muốn nhưng cũng là những băn khoăn, lo lắng. Bởi thực tế, nhiều di tích sau khi bị “khoác áo mới” bất đắc dĩ, đã rơi vào tình trạng không thể vãn hồi.

Chuyện không mới nhưng là bài toán khó cho các bên liên quan. Người dân hay ngay cả chính các cán bộ văn hóa ở địa phương xuất phát với mong muốn tốt, đó là trùng tu lại di tích để bà con có chỗ sinh hoạt văn hóa tâm linh khang trang hơn, an toàn hơn. Nhưng đôi khi, thậm chí nhiều khi thành ý tốt mà thực thi không đúng sẽ lại cho kết quả ngược lại. Đóng một chiếc đinh nhỏ lên tường, làm thay đổi dẫu chỉ là một viên gạch cũng đều có thể dẫn đến biến dạng di tích.  

Ngược lại, cũng có nơi lại vì quá thận trọng, máy móc, thấy di tích mái bị xô, mưa bị dột, thay vì khắc phục tạm thời thì lại làm đơn kiến nghị lên các cấp xin được tu bổ, và đợi đến khi đơn được giải quyết thì công trình đã hư hại lại càng hư hại hơn. Thiết nghĩ, đó cũng chẳng phải là việc nên làm.

Ứng xử với di tích chưa bao giờ là việc đơn giản, dễ dàng. Nhưng nếu không có sự hiểu biết đủ về văn hóa, lịch sử, không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ, không ngăn chặn các hành vi xâm hại một cách kịp thời thì nguy cơ “biến mất” của nhiều di tích – có lẽ là điều khó tránh khỏi./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img