Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường, các dịch vụ mua bán hàng hóa đều qua đóng gói vận chuyển do đó lượng rác dân sinh tăng mạnh.
Công nhân vệ sinh làm việc trong khi “cả Hà Nội” ở yên tại nhà.
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội trước đó, mỗi ngày trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội thải ra từ 4.000 – 5.000 tấn rác. Phần lớn rác thải sau khi thải ra sẽ đến những bãi chôn lấp và thậm chí còn thải ra sông, biển.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn Thành phố đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 17, lượng rác thải thải ra ngày càng nhiều, đáng chú ý là lượng rác dân sinh như: bao bì, túi nhựa, bao ni lông tăng một cách đột biến.
Tình trạng quá tải rác sinh hoạt đang rất đáng báo động. |
Theo anh Nguyễn Gia Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong tuần vừa qua, lượng rác thải gia đình anh tăng 2-3 lần so với trước. Do ở nhà nhiều, cùng với đặt mua hàng và đi chợ tích đồ, lượng rác thải nhựa và cả các loại rác thải khác cũng tăng mạnh.
Đặc biệt, công nhân vệ sinh môi trường là những người phải đi từng ngõ ngách để thu gom rác thải, lượng rác quá tải khiến họ phải làm việc hết công suất. Nếu ngày thường, chỉ cần 2 xe rác lớn là có thể thu gom đủ một ngách, giờ họ phải tăng cường gấp 2 lần.
Chị Nguyễn Mai, công nhân vệ sinh phường Láng Thượng chia sẻ: “Những ngày này, chúng tôi phải tăng cường gấp đôi lượng xe rác đi vào ngõ ngách để thu gom. Người dân ở nhà, rác thải sinh hoạt tăng đến bất ngờ nên chúng tôi phải hoạt động hết công suất.”
Khi các nhà hàng buộc phải đóng cửa, cứ ngỡ sẽ bớt đi gánh nặng cho những người thu gom rác. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Mai, hàng quán có xả thải nhiều nhưng các chị thường để xe rác ở gần khu vực đó để họ chủ động vứt vào xe. Vì vậy, không cần phải đẩy xe thu gom rác từng nơi.
Chưa kể, việc lượng rác tăng nhiều nhưng số lượng người thu gom rác vẫn giữ nguyên, vì thế trong những ngày này, rác thải sinh hoạt là nỗi ám ảnh đối với công nhân thu gom rác theo từng hộ gia đình.
“Chúng tôi cũng lo lắng vì trong thời gian dịch bệnh làm công việc này sẽ rất nguy hiểm vì phải tiếp xúc với nhiều người. Tuy nhiên, vì khối lượng công việc nhiều nên chúng tôi còn không còn thời gian nghĩ đến các chuyện khác”, chị Mai nói thêm.
Không chỉ thu gom rác, công nhân vệ sinh môi trường còn phải làm nhiệm vụ phân loại rác để tiện cho việc vận chuyển rác và xử lý đúng quy định. Quá trình này cũng tốn nhiều thời gian và công sức.
Công nhân vệ sinh môi trường làm việc tại phố Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. |
Chị Trần Thị Hương – nhân viên Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội có hơn 10 năm gắn bó với nghề vệ sinh môi trường. Ngày dịch cũng như ngày thường, công việc và thời gian của chị vẫn không hề thay đổi.
“Tôi đã trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, cồn khô sát khuẩn, đẩy xong một xe rác là phải sát khuẩn tay ngay. Nói chung, tôi cũng biết cách để tự bảo vệ bản thân hết mức trong những ngày dịch căng thẳng.
Trong khi cả Thành phố được ở yên trong nhà thì chúng tôi phải lao ra đường kiếm sống. Dù mệt mỏi, lo lắng nhưng mọi người vẫn an ủi nhau, còn có công việc để làm và còn có cái nghề để mưu sinh”, chị Hương chia sẻ.
Việc thu gom rác đã vất vả gấp đôi nhưng việc dọn dẹp rác thải tại các khu vực “cấm đổ rác” cũng khiến công nhân vệ sinh môi trường vất vả không kém. Khi chưa kịp thu gom rác, nhiều người đã tiện tay “chất đống” ở đầu ngõ hoặc đầu phố.
Ông Lê Văn Phú bức xúc: “Nhiều người dân đã xả rác bừa bãi khiến cho những công nhân vệ sinh môi trường vất vả hơn. Nhiều khi chúng tôi phải xử lý những đống rác phát sinh. Chưa kể rác không được để vào túi, rơi vãi lung tung.”
Văn hóa ứng xử với các công nhân vệ sinh.
Sự nguy hiểm luôn cận kề với những người công nhân trong thời gian này. Bên cạnh những căn bệnh nghề nghiệp như: viêm mũi, đau khớp, đau mắt…..Giờ họ còn phải đối mặt với Covid-19, có thể nhiễm bất cứ lúc nào.
Trong thời gian giãn cách này, người dân hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Tuy vậy, nhiều người không biết vô tình hay cố ý đã có những hành động, ứng xử không tốt với công nhân vệ sinh môi trường.
Chị Nguyễn Thị Nga- công nhân vệ sinh phường Trương Định ngậm ngùi: “Trong quá trình làm việc, có nhiều người hay vứt rác ở bên ngoài thùng hoặc có những người do “ngại tiếp xúc” nên đứng từ xa tung túi rác vào xe khiến rác tung tóe ra ngoài, chúng tôi lại phải dọn lại.”
Một bộ phận người dân ý thức chưa tốt, vứt rác không đúng nơi quy định, gây khó khăn cho những người dọn rác. |
Khi được nhắc nhở, nhiều người dân đã thản nhiên trả lời nếu không vứt rác thì chúng tôi lấy gì để làm; coi đó là công việc mà chúng tôi “phải làm” và đem lý do “mùa dịch nên ngại tiếp xúc mới vứt rác từ xa”. Chị Nga nói thêm.
“Thời gian này đúng là ngại tiếp xúc với nhiều người nên nhà tôi đã chủ động buộc rác vào túi to và buộc kín, gần đến giờ thu rác mang xuống để đúng vị trí. Khi thu gom, lao công chỉ việc xách và bỏ lên xe. Như vậy sẽ đỡ hơn”, chị Phương Anh (phường Trương Định) nói.
Khi cả người thu gom rác và công nhân vệ sinh thông cảm lẫn nhau, cũng là một động lực để giúp họ có thêm sức lực để cống hết hết mình cho công việc làm sạch Thủ đô, nhất là trong dịp Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp./.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.