Chính quyền Washington sắp tới có thể thắt chặt hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ trực tiếp cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc.
Theo báo cáo hôm 10/5 của The Information, Mỹ đang xem xét việc cấm các nhà cung cấp của Mỹ bán thiết bị tiên tiến cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc, một động thái có thể cản trở nỗ lực tự cung cấp công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo cho biết lệnh cấm được đề xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà sản xuất chip chủ chốt của Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), cũng như các công ty sản xuất chip được nhà nước hậu thuẫn bao gồm Hua Hong Semiconductor, ChangXin Memory Technologies (CXMT) và Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC). Tất cả các hãng này đều dựa trên công nghệ cốt lõi của Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau để chế tạo chip.
SMIC đã bị thêm vào danh sách pháp nhân của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 12/2020. Công ty cũng bị cấm nhập khẩu máy in thạch bản cực tím do ASML của Hà Lan sản xuất, đây là thiết bị rất cần thiết để sản xuất chip tiên tiến từ 7 nanomet (nm) trở xuống. Tuy nhiên, các công ty sản xuất thiết bị kém tiên tiến hơn liên quan đến công nghệ của Mỹ vẫn có thể bán cho SMIC nếu được chính quyền Washington chấp thuận. Được biết, SMIC đã và đang xem xét nhập khẩu thiết bị cho các nhà máy mới của mình ở Thâm Quyến và Bắc Kinh.
Đây không phải là lần đầu tiên SMIC đối mặt với những lời cảnh cáo. Tháng 3/2022, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói Mỹ có thể thực hiện hành động mạnh mẽ đối với SMIC và các nhà sản xuất chip Trung Quốc khác, nếu họ bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Hua Hong Semiconductor, CXMT và YMTC hiện không nằm trong bất kỳ danh sách đen thương mại nào của Mỹ. Tuy nhiên, theo Financial Times đưa tin cách nay hai tuần, Mỹ đang xem xét cáo buộc về việc YMTC đã vi phạm quy tắc xử phạt khi cung cấp chip cho Huawei Technologies. Bất kỳ hạn chế mới nào của Washington đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đều có khả năng làm suy yếu mục tiêu mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn của Bắc Kinh.
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực nâng cao công nghệ bán dẫn trong nước, bằng cách cung cấp các ưu đãi để khuyến khích việc sử dụng nhiều hơn công nghệ được phát triển nội địa. Động thái này được đưa ra để bảo vệ tính toàn vẹn chuỗi cung ứng chất bán dẫn của đất nước khỏi lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn từ phía Mỹ, tình trạng thiếu chip toàn cầu kéo dài và gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 gây ra.
Dù vậy, theo một số chuyên gia phân tích, Trung Quốc hoặc thậm chí các nhà sản xuất chất bán dẫn mạnh như Nhật Bản và Hàn Quốc hầu như không thể xây dựng một chuỗi cung ứng chip mà không sử dụng bất kỳ công nghệ nào từ Mỹ. “Chúng ta có thể thấy Mỹ đang tích cực cố gắng đoàn kết các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc để hình thành một chuỗi cung ứng chất bán dẫn mới, loại trừ Trung Quốc. Lệnh cấm bán thiết bị trực tiếp cho một số nhà sản xuất chip Trung Quốc cũng là biện pháp khác nhằm vào mục tiêu tương tự”, bà Arisa Liu, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chất bán dẫn tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói.
Nguồn: vov.vn