Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022) dự kiến diễn ra vào ngày 21-22/7/2022 tại Hà Nội, mở đầu cho sự kiện thường niên hàng năm.
Vietnam Blockchain Summit 2022 được tổ chức nhằm đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc định hướng, phát triển, cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam, tạo dấu ấn và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, các nhà phát triển Blockchain khu vực và thế giới.
Vietnam Blockchain Summit được xác định là sự kiện thường niên, quy mô quốc gia và quốc tế, tổ chức lần đầu tiên bởi VINASA cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Sự kiện đầu tiên tổ chức vào tháng 7/2022 dự kiến sẽ thu hút trên 2.500 lượt đại biểu trực tiếp và trên 15.000 lượt theo dõi trực tuyến là lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, các diễn giả, chuyên gia, lãnh đạo các công ty lớn về Blockchain, các doanh nghiệp ứng dụng, cơ quan truyền thông, báo chí tại Việt Nam và trên thế giới. Những tên tuổi lớn nhất của thế giới và Việt Nam như: Binance, Houbi Global, Solana, Decom Wings, Whydah, Sky Mavis… sẽ quy tụ tại sự kiện. Hội nghị được tổ chức gồm các hoạt động: các phiên chuyên đề, sẽ thảo luận các xu hướng phát triển, chính sách, trình diễn các giải pháp công nghệ mới nhất có ứng dụng Blockchain, triển lãm các nền tảng, dự án Blockchain xuất sắc, và kết nối đầu tư hợp tác.
Nội dung thảo luận chính trong các hoạt động này sẽ là các xu hướng phát triển, chính sách, trình diễn các giải pháp công nghệ mới nhất có ứng dụng Blockchain, triển lãm các nền tảng, dự án Blockchain xuất sắc, và kết nối đầu tư hợp tác. Một số Chủ đề nổi bật sẽ được đề cập như: Thanh toán tiền số: Khi công nghệ hướng đến giải quyết vấn đề gốc rễ; Thế hệ nhà đầu tư mới và tương lai của giao dịch trực tuyến; Giải phóng sức mạnh của chuỗi khối trong các tập đoàn kinh tế; Khai phá NFTs; Sẵn sàng cho Web3 – Kỷ nguyên tiếp theo của Internet với Blockchain.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết thêm:”Blockchain đang được xem là một công nghệ tiên phong mang tính cách mạng tương tự như internet. Công nghệ này vẫn đang ở trong những giai đoạn phát triển đầu tiên, giai đoạn nghiên cứu và chọn lọc những hạ tầng, những nền tảng, những sản phẩm mang tính đột phá. Vietnam Blockchain Summit không chỉ là sự kiện quốc tế lớn nằm trong chuỗi sự kiện Blockchain toàn cầu, quy tụ những tên tuổi lớn nhất, những lãnh đạo Chính phủ, Bộ, Ngành, mà còn được VINASA kỳ vọng là nơi bàn thảo, đưa ra những định hướng, những quyết sách quan trọng thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain tại Việt Nam một các bài bản, nhanh chóng, góp phần đưa kinh tế số, chính phủ số tại Việt Nam có được sự phát triển đột phá.”
Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Blockchain Việt nam ông Huy Nguyễn cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng với sự kết nối và gia tăng nguồn lực từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam – tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ góp phần tạo ra một sân chơi chung đầy ý nghĩa.”
Công nghệ chuỗi khối – Blockchain – đã trở thành công nghệ tiên phong và đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Blockchain có thể ứng dụng vào hầu hết các ngành, các lĩnh vực với tiềm năng rất lớn tạo mô hình sản xuất kinh doanh mới, đem lại sự phát triển đột phá. Theo Fortune Business Insights, thị trường blockchain toàn cầu được định giá 4,67 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022, và 163,83 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3% trong giai đoạn này.
Việt Nam được xem là điểm sáng trên bản đồ thế giới với số lượng dự án Blockchain lớn và trình độ nhân lực Blockchain ở mức cao. Nhiều dự án do người Việt xây dựng trở thành biểu tượng và đang thu hút sự quan tâm và đầu tư lớn từ các tổ chức, cá nhân trên toàn cầu. Một số dự án tài chính phi tập trung (DeFi) và hạ tầng Blockchain tiêu biểu, ghi dấu ấn trên trường quốc tế: Kyber Network, Kardiachain, TomoChain, GameFi.org, Sipher… và đặc biệt Sky Mavis với dự án Axie Infinity đã trở thành kỳ lân công nghệ trong năm 2021 và là dự án dẫn đầu trong lĩnh vực GameFi toàn cầu.
Blockchain cũng đang được Lãnh đạo Chính phủ, Bộ, Ngành tiếp cận rất tích cực. Ngày 16/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2117/QĐ-TTg, ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó có công nghệ Blockchain. Ngày 15/6/2021, tại Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền số dựa trên công nghệ Blockchain từ năm 2021 đến 2023.
Nguồn: vtv.vn