TP.HCM thu ngân sách vượt dự toán nhờ đâu?

TP.HCM thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, TP.HCM thu ngân sách đạt hơn 198.500 tỷ đồng, đạt 54,42% dự toán và tăng 19,75% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nội địa hơn 131.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô hơn 6.800 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 60.200 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương hơn 38.111 tỷ đồng.

UBND TP.HCM đánh giá, đây là kết quả đáng ghi nhận. Năm nay, Trung ương giao chỉ tiêu TP.HCM thu ngân sách 365.000 tỷ đồng, tức bình quân một ngày thu 1.500 tỷ đồng. Năm 2019, TP.HCM thu gần 410.000 tỷ đồng; năm 2020 ảnh hưởng dịch COVID-19, Thành phố chỉ thu được 371.000 tỷ đồng (hơn 91% dự toán). Những năm gần đây, thu ngân sách của Thành phố chiếm 25-27% tổng thu ngân sách của cả nước.

Theo bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ngay từ những tháng đầu năm 2021, Thành phố đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2021, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Nhờ đó, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm là 198.582 tỷ đồng, đạt 54,42% dự toán. Tổng chi 6 tháng đầu năm 2021 là 29.710 tỷ đồng, đạt 30,63% dự toán, bằng 94,13%so cùng kỳ. 

Mặc dù số thu 6 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách vượt mốc 50% so với dự toán. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu so với cùng kỳ đã giảm dần từ tháng 05 khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Trong bối cảnh đó, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, trọng tâm nhằm hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2021.

Trong đó, tăng cường các giải pháp để quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu; phân tích, đánh giá nguồn thu theo từng sắc thuế, khu vực, địa bàn, có biện pháp quản lý thu hiệu quả đối với các nguồn thu tiềm năng để đẩy mạnh thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2021; tăng cường kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Đặc biệt, Thành phố ưu tiên dành toàn bộ nguồn lực để tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; bố trí kinh phí thực hiện chi chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.

TP.HCM thu ngân sách vượt dự toán nhờ đâu?

TP.HCM cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách 6 tháng đầu năm.

PGS-TS. Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM nhận định, để đuy trì tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc kiểm soát dịch COVID-19 càng sớm càng tốt, Thành phố cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn như Metro số 1, Metro số 2, đường Vành đai 2,Vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 2…

Đồng thời, trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, TP.HCM cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi có vắc xin COVID-19 trong cộng đồng, TP.HCM sẽ có bước đệm vững chắc trong chống dịch, tạo tâm lý ổn định cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, TP.HCM từng bước hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra và chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho việc phục hồi sau dịch.

Được biết, hồi tháng 5 vừa qua, trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM. Lãnh đạo Thành phố cũng đã đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại cho Thành phố lên 23% giai đoạn 2021-2025, thay vì 18% như hiện nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính về cơ bản đã đồng ý với đề xuất này của Thành phố. Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành khẩn trương chủ trì, phối hợp với Thành phố và các cơ quan liên quan đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho TP.HCM theo hướng khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể.