Ở cuốn sách Lần đường theo bóng (do NXB Tổng hợp TP.HCM) ấn hành lần này, Văn Thành Lê không có tham vọng dựng những chân dung tròn và đầy. Vì anh hiểu rằng, khắc họa chân dung một con người là điều bất khả. “Chân dung nhà văn/nhà thơ, người làm công việc sáng tạo, lại càng khó nắm bắt hơn. Nếu may mắn thì anh chạm được vào một phần bóng của họ đổ xuống trang viết và hành trình họ đã qua. Không thì, mỗi chân dung như đường dẫn tới bóng của nhân vật, đã là mừng”, Văn Thành Lê khiêm tốn.
Như vậy, một loạt tác phẩm như Hình như là tình yêu (năm 2008), Con gái tuổi Dần (năm 2009), Trạm điện thoại ở thiên đường (năm 2011), Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (năm 2011), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (năm 2012), Châu lục thứ 7 (năm 2014), Ngày xưa chưa xa (năm 2015), rồi Không biết đâu mà lần, Thừa ra một người, Nam – Nhi – Đại – Trượng – Phu, chàng trai sinh năm 1986 thực tế đã bén duyên với phê bình văn học với hai đứa con tin thần được đánh giá cao.
Bìa tác phẩm mới Lần đường theo bóng của Văn Thành Lê
|
Cuốn sách Lần đường theo bóng viết về 20 chân dung văn học được tác giả Văn Thành Lê khắc họa một cách nghiêm ngắn. Bên cạnh những nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ cha chú như Ngô Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, thế hệ 6X, 7X đã thành danh như Thuận, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Hoàng Thụy Anh, Văn Thành Lê tập trung nhiều vào những tác giả thuộc thế hệ 8X của mình: Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hoàng Công Danh, Khải Đơn, Nguyễn Thiên Ngân, và cả thế hệ 9X với Cao Nguyệt Nguyên, Hiền Trang.
Tác giả Văn Thành Lê bộc bạch: “Bên cạnh việc nhìn lên, học hỏi từ các thế hệ đi trước, tôi cũng học và muốn đồng hành với những cây viết thuộc thế hệ mình, trẻ hơn mình. Từ lâu là đọc, và giờ là viết về các bạn. So thế hệ 7X có những cá nhân, hội nhóm, sự phá cách trong sáng tác, tạo sóng trên văn đàn một thời thì 8X trầm lắng hơn. Nhưng sau những ồn ào thì trầm lắng không có nghĩa là không có gì. Tôi mong có thể gọi tên những người đã “có gì” ra theo cách nhìn của mình. Đường văn còn dài, chẳng ai nói trước được ngày mai, nhưng với những chân dung đã dựng, tôi có niềm tin các bạn ấy còn bước tiếp và làm được hơn. Chính thế hệ 8X và 9X đang góp phần vào bộ mặt của văn chương hôm nay một cách đàng hoàng”.
Tác giả vừa là nhà thơ, nhà văn và đang bước rẽ sang phê bình văn học
|
Góc “sáng tạo” và lao động nghiêm túc của Văn Thành Lê
|
Nhận xét về cuốn sách độc đáo này của Văn Thành Lê, PGS.TS. Bùi Thanh Truyền chia sẻ nhẹ nhàng: “Thưởng lãm hai mươi chân dung trong cuốn sách này, nhiều người sẽ ngạc nhiên: tại sao một cây bút trẻ, nhiệt tình với cái mới lại hào hứng với phê bình tiểu sử đã quá truyền thống, thậm chí… lạc thời, tinh tế và hữu dụng đến thế? Từ văn đến đời, và ngược từ đời vào văn để định dạng nhân vật, trình hiện căn cước nhà văn, cái lý và chiều sâu trong trang viết, trong cái chuyện đi ở, dấn thân với đam si chữ của mỗi người.
Giống nhiều chân dung trong tập sách này, Văn Thành Lê cũng là người thích và thạo chuyện bắt cá nhiều… tay. Sáng tác đã giúp anh có tâm thế của một nhà báo – nhà thơ viết văn, rồi rẽ thêm phê bình. Phê bình mang lại cho tác giả sự nghiêm túc, khoa học của sự đọc và viết; văn chương và báo chí sóng đôi để câu chữ vừa nồng đượm chất đời vừa lấp lánh ánh nghệ thuật”.