Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sau khi làm việc với các đơn vị có liên quan về việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, các đơn vị thống nhất triển khai 3 nhóm giải pháp chính đối với cảng Cát Lái.
Một là, nhóm giải pháp nhằm tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng, giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm nhận hàng.
Hai là, nhóm giải pháp tăng năng lực khai thác của bãi cảng, giao Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập; nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng; điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp…
Ba là, nhóm giải pháp giảm lượng hàng nhập về cảng, yêu cầu tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân cảng Hiệp Phước về cảng Tân cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt, căn cứ năng lực tiếp nhận của cảng Tân cảng Cát Lái giao cho Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chủ động giải quyết; làm việc với các chủ hàng, hãng tàu hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container hàng nhập về cảng đối với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.
Trên cơ sở khảo sát năng lực tiếp nhận của các cảng lân cận trong khu vực như: VICT, SPCT, SP-ITC, TCIT, TCTT, CMIT, SSIT… Cục Hàng hải Việt Nam đã giao Cảng vụ Hàng hải TP.HCM xây dựng phương án điều tiết tuyến tàu cập cảng Cát Lái sang các cảng lân cận nêu trên trong trường hợp cảng Tân cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu.
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM để trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp cảng, tổ chức, cá nhân có liên quan để nhanh chóng xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bảo đảm duy trì hoạt động các cảng.
Các doanh nghiệp cũng có thể liên hệ trực tiếp tới số điện thoại đường dây nóng 0903.772.683 của Cục Hàng hải Việt Nam để phản ánh các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị (nếu có) về hoạt động làm hàng tại cảng Cát Lái.
Trước đó, phản ảnh tới báo chí, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, hiện lượng hàng nhập tồn tại cảng đang tăng nhanh do nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do bị phong tỏa hoặc do không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, “2 địa điểm – 1 cung đường”, nên doanh nghiệp chậm nhận hàng.
Từ trước đến nay, Cảng Cát Lái thường xuyên hoạt động gần tối đa công suất nên nếu hàng hóa chậm luân chuyển, tồn bãi tăng cao thì nguy cơ rất lớn là cảng sẽ phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng hàng trên bãi.
Ngoài khó khăn về lượng hàng tồn ở cảng tăng đột biến, cảng Cát Lái còn đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Hiện lượng nhân sự làm việc tại các vị trí ngoài hiện trường ở cảng (nhân viên cảng vụ, lái cẩu bãi xe, lái xe nâng…) đã giảm 50% so với trước, chỉ còn 250 người. Những ngày gần đây có hiện tượng nhiều chuyến tàu phải chờ cẩu do thiếu công nhân hoặc chờ cho công nhân nghỉ, phục hồi sức lao động do phải làm việc liên tục.
Trước tình hình đó, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên cho lực lượng lao động dây chuyền sản xuất cảng Cát Lái, kể cả người lao động do cảng quản lý ký hợp đồng, công nhân xếp dỡ vệ tinh và các đối tượng khác được hoạt động thường xuyên tại cảng. Cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất tại cảng, nếu không cư trú tại các khu vực dân cư đang bị phong tỏa được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc. Tân cảng Sài Gòn sẽ phối hợp cùng các cơ quan y tế xét nghiệm sàng lọc theo quy định.
Được biết, vào ngày 28/7 vừa qua, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn gửi văn bản tới các cơ quan chức năng về khó khăn trong tổ chức hoạt động các bến cảng của Tổng công ty tại khu vực TP.HCM. Sau đó, ngày 29/7, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản Số: 3070 gửi Tổng cục Hải quan và UBND TP.HCM đề nghị xem xét hỗ trợ giải quyết kiến nghị của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.