(Tạp chí Du lịch) – Khu nghỉ dưỡng cao cấp H’Mong Village nằm tại xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 60km, là cửa ngõ vào công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn.
H’Mong Village tọa lạc trên sườn núi được ôm trọn bởi rừng đá hình cánh cung, dưới chân là thung lũng Tráng Kìm và dòng sông Miện hiền hòa chảy qua. Khu nghỉ dưỡng có diện tích lên đến 25ha, được chia làm hai khu. Khu vực bên ngoài gồm hệ thống trung tâm điều hành, nhà hàng, quán bar, nhà trưng bày các mặt hàng lưu niệm, bể bơi vô cực, nhà nghỉ cộng đồng có sức chứa trên 50 khách và 14 bungalow hình quẩy tấu. Khu v��c phía trong nằm khá biệt lập, là khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao với 25 bungalow và 1 hồ bơi vô cực có hệ thống nước nóng, lạnh, một nhà hàng chuyên phục vụ món Âu. Đan xen các công trình là vườn đào, vườn mận, rừng đá tự nhiên, ruộng bậc thang hoa và thảm cỏ xanh mướt trải rộng bốn mùa.
Với mục đích mang đến cho du khách một thiên đường nghỉ dưỡng đích thực trong một không gian sống đậm chất văn hóa đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang, H’Mong Village mang kiến trúc đặc trưng với tường trình đất, mái lợp ngói âm dương, khuôn viên sân vườn xếp bằng đá xanh. Cùng với đó là sự kết hợp hài hòa giữa cây, cỏ và nước tạo cho H’Mong Village một không gian yên bình, gần gũi với thiên nhiên, nếu mùa Đông ấm áp thì mùa Hè lại vô cùng mát mẻ.
Đến với H’Mong Village, du khách còn được trải nghiệm hồ bơi vô cực lớn nhất Việt Nam, thưởng thức ẩm thực độc đáo mang đậm hương vị của dân tộc Mông và một số dân tộc thiểu số khác ở Hà Giang hoặc đi bộ dạo quanh những bản làng, trò chuyện với đồng bào sinh sống ở những bàn làng nằm gần khu nghỉ dưỡng.
Bản sắc văn hóa dân tộc Mông còn được H’Mong Village thể hiện qua cách sắp xếp bố trí các bungalow theo hình váy xòe rẻ quạt của các thiếu nữ Mông. Và, đặc biệt hơn cả là từ hình ảnh chiếc quẩy tấu của đồng bào dân tộc Mông, H’Mong Village đã xây dựng nên những bungalow đầy sáng tạo, độc đáo và hấp dẫn. Đón giấc ngủ trong căn hộ hình quẩy tấu, bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn về sự dịch chuyển của thời gian “Đêm nay gió giữa hai mùa/ Thổi sao vi vút, mây lùa một bên”. |
PV
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)
Nguồn: vtr.org.vn