Sunday, November 24, 2024

Tăng cường xử lý chất thải, đảm bảo an toàn dịch bệnh



Bộ TN&MT mới đây có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác BVMT, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch gia tăng đáng kể, rác y tế từ các bệnh viện, khu cách ly… tăng nhanh, gây áp lực lên hệ thống xử lý rác thải của các địa phương.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo 5 nhiệm vụ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19, các địa phương cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ cấp bách sau:

Một là, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu cách ly khác) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”.

Hai là, chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực: nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang

Ba là, chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được cấp phép xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Bốn là, trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng hạ tầng xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại địa phương, cần chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ.

Năm là, tăng cường chỉ đạo công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn; khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Tăng cường xử lý chất thải, đảm bảo an toàn dịch bệnh
Lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch rất lớn, nếu không thực hiện tốt các giải pháp để quản lý sẽ tác động tiêu cực đến môi trường

Nhiều địa phương quản lý chặt rác thải phòng chống dịch bệnh COVID-19

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương chú trọng thực hiện hiệu quả, an toàn công tác thu gom, vận, chuyển, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế liên quan đến phòng, chống dịch bệnh.

Tại TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM tăng cường thu gom đảm bảo không tồn đọng chất thải trong Khu cách ly tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP HCM.

Đồng thời, bố trí nhân sự phụ trách việc quản lý chất thải tại các khu cách ly để thực hiện việc phân loại, lưu giữ theo đúng quy định; Hỗ trợ hướng dẫn nhân viên giám sát về các quy định phòng chống dịch trong quá trình thực hiện việc thu gom chất thải tại các khu cách ly; Kịp thời cập nhật danh sách các khu cách ly mới phát sinh để được nhanh chóng hỗ trợ thực hiện việc thu gom xử lý chất thải…

Tại Nam Định, các huyện trên địa bàn tỉnh đều chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Bệnh viện đa khoa huyện; các Trung tâm y tế huyện; Trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường phối hợp, thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19.

Các khu cách ly y tế tập trung của các địa phương nghiêm túc tuân thủ theo đúng quy trình từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải y tế; thực hiện phun hóa chất khử khuẩn nguồn rác và chuẩn bị phương án xử lý phù hợp, không để rác tồn đọng lâu, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của khu cách ly. Các lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các công dân ở các khu cách ly liên quan đến dịch COVID-19 tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải.

Tại Bến Tre, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở địa phương diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện, khu điều trị, khu cách ly tập trung tăng cao, phát sinh lượng lớn chất thải y tế, chất thải sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh qua nguồn chất thải là rất lớn. Mặt khác, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khoẻ của người dân.

Do đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường nắm tình hình về hoạt động quản lý; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh từ các cơ sở khám, điều trị bệnh nhân Covid-19, các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn và địa điểm cách ly tại nơi cư trú; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Tại Bắc Giang, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Các sở, cơ quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trực thuộc quản lý thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực như: Nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang…

Tại Kon Tum, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua chất thải, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là khẩu trang đã qua sử dụng; các xã, phường, thị trấn bố trí thêm các thùng thu gom rác, hướng dẫn phân loại, bỏ rác tại các điểm công cộng (chợ, siêu thị, bến xe, cơ sở văn hóa, thể thao…) để thu gom rác thải; phân công người nhắc nhở, không để tình trạng người dân vứt rác bừa bãi nơi công cộng…/.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img