Họa sĩ Lê Văn Xương là tên tuổi nổi tiếng của hội họa Việt Nam. Ông là một trong số hiếm hoi họa sĩ Việt Nam và họa sĩ Pháp sống tại Việt Nam được tổ chức 3 – 4 triển lãm cá nhân trước năm 1954. Tên tuổi Lê Văn Xương “nổi như cồn” với triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 28.4.1953. Trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình, không kể tranh dạng lưu niệm, họa sĩ Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức, trong đó có gần 100 tác phẩm về phố phường Hà Nội từ giữa thập niên 1940. Năm 1997, họa sĩ Lê Văn Xương được nhận huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Đứng dưới góc độ là người từng tổ chức bản thảo cuốn sách Vẽ với lòng thanh thản về Lê Văn Xương và có 4 – 5 năm quan tâm nghiên cứu tranh ông, nhà sưu tập Lý Đợi cho rằng: “Chưa có dịp tiếp xúc trực tiếp nhưng có thể khẳng định bức tranh mà tôi được nhận không phải bức đã in trong sách Vẽ với lòng thanh thản. Nó khác với bức in trong sách (trang 20) về nhiều khía cạnh, trong đó có khác về vật liệu. Tuy nhiên, do Lê Văn Xương thường vẽ trên nhiều vật liệu khác nhau nên chỉ có thể nhận ra thật, giả khi xem trực tiếp bức tranh, vì ông luôn để lại các ký hiệu và chỉ dấu bí mật trên tác phẩm của mình, kiểm tra trực tiếp là có thể nhận ra được”.
Ông Lý Đợi cho biết thêm: “Khi bắt tay làm cuốn Vẽ với lòng thanh thản, tôi tìm kiếm trên Google với cụm từ Lê Văn Xương thì chỉ thấy vỏn vẹn khoảng… 8 kết quả, nhưng bây giờ khoảng 26.800.000 kết quả. Với kết quả mới này, nếu tranh Lê Văn Xương có bị làm giả, làm nhái cũng không khó hiểu lắm”. Được biết, gần đây nhà sưu tập Lê Y Lan – con gái họa sĩ Lê Văn Xương, từng có dự định sẽ làm thêm một vài triển lãm để giới thiệu toàn bộ tranh của cha mà chị cất công gìn giữ, nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát nên phải tạm hoãn.