(Chuyện Nóng 24h) – Trong nhiều thập kỷ qua, Moscow đã lên kế hoạch phát triển một số loại vũ khí khiến các đối thủ của họ phải ‘lạnh gáy’. Một trong số đó là máy bay ném bom hạt nhân Tu-95LAL.
Đây là ý tưởng mà các nhà phân tích phương Tây phải thốt lên rằng: “Tạ ơn chúa, nó đã không được tạo ra!”.
“Sẽ như thế nào nếu ngồi trong một cỗ máy bay ném bom hạt nhân và không biết rõ về mức bức xạ mà mình sẽ bị phơi nhiễm?” – Đó là một trong những nỗi sợ hãi của các phi công Liên Xô khi điều khiển Tu-95LAL, một phiên bản của máy bay ném bom Tu-95 Bear nổi tiếng.
Liên Xô đã hình dung Tu-95LAL là một máy bay có động cơ hạt nhân, mang lại cho nó tầm hoạt động không giới hạn. Họ muốn chiếc máy bay có khả năng vươn đến Mỹ và triển khai vũ khí mà không cần tiếp dầu giữa chừng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, họ cần trải qua nhiều năm thử nghiệm.
Ý tưởng khó, thiết kế phức tạp
Tu-95LAL là mẫu máy bay thử nghiệm được phát triển từ năm 1955. Các nhà thiết kế và kỹ sư Liên Xô đã đặt một lò phản ứng hạt nhân nhỏ trong khoang chứa bom của chiếc Tu-95. LAL là viết tắt của Letayushchaya Atomnaya Laboratoriya, hay phòng thí nghiệm hạt nhân bay.
Chiếc máy bay này đã thực hiện ít nhất 34 chuyến bay thử nghiệm vào năm 1961. Các nhà thiết kế Liên Xô dự kiến rằng dự án Tu-95LAL sẽ mất ít nhất 20 năm để cho ra đời một nguyên mẫu máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể tham gia các nhiệm vụ dài ngày.
Chương trình Tu-119 tiếp theo (tên mới của chương trình LAL) phức tạp tới mức khiến các kỹ sư Liên Xô phải tạo ra một bộ chuyển đổi điện và thiết bị trao đổi nhiệt theo “chu kỳ trực tiếp”. Hai trong số các động cơ phản lực cánh quạt của máy bay có bộ trao đổi nhiệt ở bên trong.
Hình ảnh được cho là bản vẽ thiết kế của máy bay ném bom Tu-95LAL. Ảnh: Researchgate
Chuyên gia Raul Colon trên website Aviation-History.com đã giải thích những điều này như sau: Sự khác biệt chính là không khí sau khi đi qua máy nén sẽ không đi đến lò phản ứng hạt nhân mà đi thẳng tới hệ thống trao đổi nhiệt. Đồng thời, nhiệt lượng do lò phản ứng sinh ra sẽ đi đến hệ thống trao đổi nhiệt. Sự kết hợp của hai yếu tố này sẽ cho phép động cơ phản lực cánh quạt tạo ra lực đẩy cần thiết.
Tin tốt cho Liên Xô là có vẻ bức xạ đã không xâm nhập vào khoang lái của phi hành đoàn tức mức gây nguy hiểm (ít nhất là họ nghĩ như vậy). Liên Xô đã lên kế hoạch cho Tu-119 có tốc độ bay 500 dặm/giờ.
Các kỹ sư Liên Xô đã thử những mô hình khác nhau để cải thiện hiệu suất. Sau khi công tác thử nghiệm được tiến hành trên Tu-119, mô hình Tu-120 đã được đề xuất. Thiết kế này đặt lò phản ứng hạt nhân ở phía sau máy bay. Tu-120 được kỳ vọng sẽ sẵn sàng hoạt động vào những năm 1970 nhưng cuối cùng Liên Xô đã từ bỏ nó.
Về sau này, Liên Xô đã thử lại ý tưởng trên một lần nữa với Tu-132. Với mẫu này, lò phản ứng sẽ được đặt trong 2 động cơ. Tu-132 dự kiến sẽ có trần bay thấp hơn các mẫu trước đó. Mặc dù thu hút nhiều sự chú ý và đầu tư nhưng cuối cùng Tu-132 đã bị hủy bỏ vào giữa những năm 1960.
Nguyên mẫu thử nghiệm của Tu-95LAL. Ảnh: Wiki
Không cần thiết
Cục thiết kế Tupolev không muốn từ bỏ động cơ hạt nhân trên không. Họ muốn thực hiện ý tưởng với một thiết kế siêu thanh sử dụng động cơ phản lực chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, ý tưởng này chưa bao giờ thành hiện thực.
Liên Xô nên được ghi nhận cho sự kiên trì của họ trong việc nỗ lực phát triển lò phản ứng hạt nhân trên máy bay, tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây là ý tưởng không thực tế.
Không rõ liệu tất cả thử nghiệm này có ảnh hưởng tiêu cực đến phi hành đoàn hay không, nhưng các tài liệu cho thấy không có nhiều chuyến bay thử nghiệm của Liên Xô bật lò phản ứng.
Hầu hết các nguyên mẫu Tu-95LAL vẫn nằm trên giấy, và các nghiên cứu sâu hơn vẫn chưa được hoàn thiện. Liên Xô đã có các tàu ngầm có thể triển khai vũ khí hạt nhân một cách đơn giản và thông thường hơn. Do vậy, máy bay ném bom chạy bằng năng lượng hạt nhân không còn cần thiết nữa.
Nguồn: toquoc.vn