Ngày 31/7, Bộ Y tế ban hành quyết định phê duyệt Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, bất kỳ nền y tế nào cũng phải chuẩn bị đối mặt với sự gia tăng số lượng người nhiễm SARS-CoV-2. Việc phân loại nguy cơ tốt sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị.
Bên cạnh đó, việc phân loại đúng sẽ giúp xác định được các nhóm người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ khác nhau, từ đó giúp xác định đúng nhu cầu điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho từng đối tượng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế và xã hội.
Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 nhằm đánh giá nguy cơ của người nhiễm SARS-CoV-2 để xác định chính xác nhu cầu điều trị, trên cơ sở đó bố trí hợp lý người nhiễm SARS-CoV-2 vào các cơ sở điều trị phù hợp nhằm hướng tới sự hài lòng của người nhiễm SARS-CoV-2, tối ưu hóa nguồn lực và duy trì hoạt động phòng chống dịch hiệu quả.
Việc phân loại này nhằm 3 mục đích: Đánh giá được các nguy cơ cụ thể cho từng người bệnh; Phân loại người bệnh theo mức nguy cơ đúng cách, nhanh chóng để đưa ra hướng xử trí phù hợp với từng mức nguy cơ tương ứng; Phát hiện được những trường hợp người bệnh có nguy cơ diễn biến nặng để can thiệp kịp thời.
Sau khi hoàn thành phân loại mức độ nguy cơ của từng người bệnh, hệ thống điều trị sẽ lựa chọn cơ sở điều trị phù hợp đối với người nhiễm SARS-CoV-2 ở các mức độ nguy cơ khác nhau. Bảo đảm thực hiện các biện pháp cách ly an toàn, triệt để, không có nguy cơ lây nhiễm cho các đối tượng khác. Tuân thủ các hướng dẫn xử trí và điều trị nghiêm ngặt, giảm thiểu tối đa tình trạng người bệnh tiến triển nặng tại các cơ sở điều trị không phù hợp.
Người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) được phân loại theo 4 mức độ nguy cơ gồm màu xanh là mức nguy cơ thấp, màu vàng là mức nguy cơ trung bình, màu cam là mức nguy cơ cao và màu đỏ là mức nguy cơ rất cao.
Mức nguy cơ thấp (màu xanh): Người nhiễm (F0) tuổi từ 45 tuổi và không mắc bệnh lý nền; đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày; sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, SpO2 từ 97% trở lên.
Với người bệnh trong nhóm này, chuyển đến cơ sở thuộc “Tầng 1 của tháp điều trị”, các cơ sở cách ly người nhiễm F0 tập trung, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 ban đầu. Hoặc chỉ định điều trị ngoại trú tại nơi cư trú được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện điều trị ngoại trú như biệt thự, nhà riêng, có người theo dõi…).
Yêu cầu người nhiễm SARS-CoV-2 tự theo dõi sức khỏe và thông báo tình trạng sức khỏe hằng ngày cho nhân viên y tế địa phương. Hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu. Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.
Mức nguy cơ trung bình (màu vàng): Người nhiễm (F0) có tuổi từ 46-64 tuổi và không mắc bất kỳ bệnh lý nền; sức khỏe có dấu hiệu bất thường như sốt (từ 37,5 độ C trở lên), ho, đau họng, rát họng, đau ngực…; SpO2 từ 95% đến 96%; hoặc dưới 45 tuổi và mắc một trong các bệnh lý nền.
Với các bệnh nhân trong nhóm này, cần chuyển vào cơ sở thuộc “Tầng 2 của tháp điều trị”, các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị người bệnh COVID-19.
Trong thời gian chờ nhập viện, yêu cầu người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ; hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu. Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.
Mức nguy cơ cao (màu da cam): Người nhiễm (F0) tuổi từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền; phụ nữ có thai; trẻ em dưới 5 tuổi; SpO2 từ 93% đến 94%.
Bệnh nhân thuộc nhóm này cần nhập viện càng sớm càng tốt, chuyển đến bệnh viện thuộc “Tầng 3 của tháp điều trị”, các bệnh viện điều trị COVID-19 nặng. Hướng dẫn người nhiễm SARS-CoV-2 liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu. Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.
Mức nguy cơ rất cao (màu đỏ): Người nhiễm (F0) tuổi từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền; người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu; SpO2 từ 92% trở xuống; người bệnh đang có tình trạng thở máy, đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.
Bệnh nhân thuộc nhóm này cần có chỉ định nhập viện ngay đến bệnh viện thuộc “Tầng 3 của tháp điều trị”, các bệnh viện điều trị COVID-19 nặng. Xử trí tình trạng cấp cứu trước, trong và sau khi vận chuyển đến bệnh viện.
Bộ Y tế cũng lưu ý việc phân loại theo các mức độ nguy cơ cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh, công tác thu dung và kết quả điều trị, ngành y tế từng địa phương có thể kịp thời điều chỉnh, bổ sung phân loại nguy cơ nếu thấy cần thiết để có biện pháp xử trí người bệnh nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.
Nhân viên y tế cần xử trí phân loại nhanh người nhiễm SARS-CoV-2, ưu tiên tất cả những người được phân loại mức “nguy cơ rất cao” được đưa đến cơ sở y tế phù hợp gần nhất. Trong trường hợp đang tiến hành phân loại nhưng người bệnh có tình trạng cấp cứu cần can thiệp ngay thì không tiến hành áp dụng các nội dung xử trí theo hướng dẫn trên mà tiến hành vận chuyển và bố trí giường điều trị tại các bệnh viện kịp thời cho người bệnh.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.