Cần quy định cụ thể, chặt chẽ
“Đây là lần thứ 10 xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Chúng ta cần đánh giá lại, xem những quy định nào chưa đi được vào đời sống, hay những quy định nào cần đưa thêm vào để giữ được giá trị danh hiệu”, NSND Lê Tiến Thọ (nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), người nhiều năm tham gia các hội đồng xét tặng danh hiệu, bày tỏ. Từ những vụ việc lùm xùm vừa xảy ra, ông Thọ cho rằng cần có những quy định cụ thể hơn, chẳng hạn việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo hay làm từ thiện… “Những quy định này có thể đưa vào luật Quảng cáo hay những luật liên quan khác. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định xử phạt nghiêm khắc một cách danh chính ngôn thuận”, ông nói.
Ngoài ra, luật đã có quy định về việc tước danh hiệu (khoản 1 điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP có ghi: cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời gian trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước). Tuy nhiên, ông Lê Tiến Thọ nêu quan điểm có thể có thêm quy định trong luật về việc treo danh hiệu với mức vi phạm chưa tới mức bị tước danh hiệu nhưng đã có ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, việc một nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu tức là ngoài năng lực về nghệ thuật, họ cũng đã sống đúng với chuẩn mực đạo đức của một nghệ sĩ khi kết nối nghệ thuật với công chúng. “Với một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng thì càng cần có sự chuẩn mực, chín chắn nhiều hơn trong hành động”, ông Long nói và cho rằng cuộc sống phát triển, những yếu tố tác động đến đời sống xã hội liên tục thay đổi, ngay như sự xuất hiện nghệ sĩ trước công chúng cũng không chỉ trong đời sống thực như xưa mà còn ở trên mạng xã hội. “Những nhà quản lý cần phải có trách nhiệm điều chỉnh, thay đổi quy định hay điều luật cho phù hợp với những phát sinh trong cuộc sống, hay những giai đoạn phát triển xã hội khác nhau”, ông Long đề xuất.
Có thể cấm sóng
Chưa bao giờ niềm tin đối với nghệ sĩ bị lung lay như hiện nay sau những vụ “con sâu làm rầu nồi canh” mà báo chí đã phản ánh thời gian qua. Càng ngưỡng mộ, thần tượng nghệ sĩ bao nhiêu, khán giả càng hụt hẫng bấy nhiêu sau hàng loạt sự vụ mà các nghệ sĩ đã vướng phải, cũng như đứng ra nhận sai và xin lỗi.
Lâu nay, tẩy chay được xem là hình phạt nặng nhất mà công chúng có quyền sử dụng khi nghệ sĩ mà họ ái mộ, tin yêu vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục… Đã từng có những nghệ sĩ bị khán giả quay lưng, nhà đài cấm sóng. Nhưng rồi sau một thời gian, họ tái xuất và hoạt động như chưa hề có cuộc tẩy chay nào. Có những nhận định rằng công chúng Việt Nam dễ giận mà cũng nhanh quên, dễ làm hư nghệ sĩ…
Nhiều quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc… đã đưa ra những lệnh cấm không cho xuất hiện trên truyền hình, phim điện ảnh, sân khấu hay không được hợp tác đối với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, hoặc có khi chỉ là để lại hình ảnh tiêu cực, có hành vi phản cảm trước công chúng. Ông Long cho rằng đây là biện pháp răn đe mà nhà quản lý văn hóa ở Việt Nam có thể nghĩ đến. “Những quốc gia kể trên đã có nền công nghiệp giải trí phát triển và họ có những hình phạt rất nghiêm khắc với các nghệ sĩ mang hình ảnh xấu”, ông Long nói.
Trong khi đó, nhìn lại trong nước, có trường hợp nghệ sĩ bị bắt do đánh bài hay thừa nhận là “người thứ ba”… vẫn đường hoàng xuất hiện trên sóng truyền hình, hay nghệ sĩ có hành động tiếp tay cho hành vi mang yếu tố lừa đảo nhưng chỉ cần xin lỗi là xong. “Việc cấm sóng với những người có hình ảnh tiêu cực là rất nên. Làm vậy để cho thấy nghệ sĩ không phải muốn làm gì thì làm mà cần có giới hạn cho mình”, NSND Lê Tiến Thọ nhìn nhận và cho rằng ngay như việc xét danh hiệu nghệ sĩ vừa phải linh hoạt nhưng vẫn phải khắt khe để không bỏ lọt, nhưng cũng phải lựa chọn đúng nghệ sĩ xứng đáng. “Chúng ta cần quan tâm đến chất lượng của việc phong tặng. Nếu không thì danh hiệu sẽ bị giảm giá trị, còn nghệ sĩ thì dần mất uy tín trong mắt khán giả”, ông Lê Tiến Thọ nói và nhấn mạnh: “Đã gọi là danh hiệu cao quý thì chữ cao quý đấy phải giữ thế nào để cả anh em trong nghề lẫn khán giả đều phải trân trọng”.
NSND Kim Xuân chia sẻ: “50 – 60 năm từ khi làm nghề đến nay, tôi luôn tâm niệm là nghệ sĩ, làm công việc văn hóa nghệ thuật, là một nghề hết sức thiêng liêng. Khi chọn nghề này, đã là điều gì đó thuộc về trái tim rồi. Chữ nghệ sĩ, vì thế, đã nói lên những gì cao quý, chứ đừng bảo rằng phải ưu tú, phải có danh hiệu thì mới ý thức giữ gìn thế nào. Lương tâm của người làm nghề, của một nghệ sĩ sẽ tự biết làm gì và làm như thế nào để được công chúng tin yêu”.
Ủy ban Công tác thanh niên thuộc Hiệp hội Sản xuất phim truyền hình Trung Quốc ban hành văn bản yêu cầu các thành viên, đơn vị phát thanh, điện ảnh, truyền hình cấm sóng, không hợp tác với Ngô Diệc Phàm, ngôi sao 9X dính vào bê bối tình dục ở nước này. Trước đó, nữ diễn viên Trịnh Sảng cũng đã bị Tổng cục Quảng bá phát thanh truyền hình quốc gia Trung Quốc ra văn bản cấm sóng trên mọi phương tiện truyền thông sau khi cô bị tố về việc thuê người mang thai hộ và bỏ con.
Một trong những đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc là KBS năm ngoái tuyên bố cấm sóng vĩnh viễn hàng loạt ngôi sao như: Jung Suk-won, Kang Sung-wook, Kim Byung-ok, Han Ji-sun. Nữ diễn viên Han Ji-sun đã hành hung tài xế taxi lớn tuổi và đánh cả cảnh sát do say rượu. Nam diễn viên Jung Suk-won bị bắt vì sử dụng ma túy đá. Trong khi đó, nam diễn viên Kang Sung-wook bị kết án tù vì tấn công tình dục một phụ nữ. Nam diễn viên Kim Byung-ok bị khởi tố không giam giữ vì lái xe khi say rượu..
|