Từ năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ban hành quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, tỉnh tiếp tục có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này. Tỉnh đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2021, thông qua đường dây nóng, Sở NN&PTNT đã tiếp nhận, xử lý 60 tin báo, trong đó 43 tin báo về hành vi vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; qua đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc xử phạt các hành vi vi phạm với số tiền 390,5 triệu đồng.
Thực hiện các chỉ đạo trên, công tác bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản được các ngành, địa phương quyết liệt triển khai. Theo đó, từ tháng 4/2018, toàn tỉnh cấm triệt để việc sử dụng lồng bát quái đánh bắt thủy sản. Cùng với đó, bắt đầu từ ngày 1/10/2018, UBND TP Hạ Long đã thông báo việc các tổ chức, cá nhân không được thực hiện hoạt động khai thác thủy sản dưới mọi hình thức tại các điểm tổ chức cho khách tham quan du lịch, hang động, bãi tắm, luồng đường thủy, tuyến du lịch và các khu vực được cấp có thẩm quyền quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái trên Vịnh Hạ Long; không được thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (trừ nghề câu, lặn giải trí, sử dụng ngư cụ truyền thống phục vụ du lịch trải nghiệm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép).
Các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Năm 2021, tính đến đến hết tháng 10, các sở, ban, ngành địa phương đã phát hiện 1.541 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; qua đó đã xử phạt 1.539 vụ việc với tổng số tiền phạt hơn 5.873 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tịch thu 2 phương tiện vi phạm, 56 kích điện, 442 lồng bát quái, 362m dây điện, 10 bộ quần áo lặn, 360m ống hơi, 3 súng bắn điện, 9.000m lưới đăng, 5 lưới te…
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng. Từ đầu năm đến hết tháng 10, Văn phòng Thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng đã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn 679 lượt tàu cá rời cảng; kiểm tra, giám sát 609 lượt tàu cá nhập cảng, thu 588 quyển nhật ký khai thác, nhật ký thu mua thủy sản với tổng số lượng thủy sản qua cảng gần 1.783 tấn.
Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cũng được các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, cả 209 tàu cá có chiều dài lớn từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Để tạo chuyển biến trong nhận thức của bà con ngư dân, công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, từ tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân đến tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa đài tại địa phương; treo, cấp phát tờ rơi, pano, áp phích, băng zôn, đĩa hình, tài liệu. Một số địa phương chủ động tổ chức vận động ngư dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định, chính sách của Trung ương và của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ đó, ý thức của ngư dân trong khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dần đi vào nền nếp. Số tàu cá có công suất, kích thước lớn đánh bắt vùng ven bờ, vùng lộng của tỉnh đã giảm hẳn; tất cả các tàu đã chấp hành nghiêm việc ghi chép nhật ký khai thác; không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Mới đây nhất, ngày 2/11/2021, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 215/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 1664/QĐ- TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Đây tiếp tục là nền tảng để các địa phương khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước biển một cách hợp lý phát triển nuôi trồng thủy sản; từ đó góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng hiệu quả và bền vững.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.